Sau khi bất ổn nổ ra tại khu vực Bắc Phi, dòng người nhập cư tràn sang châu Âu thông qua cửa ngõ chính là Italy đã gia tăng chóng mặt. Italy thì “lực bất tòng tâm” trong việc ngăn cản làn sóng nhập cư, trong khi Pháp thì không muốn “ôm rơm dặm bụng” đối với vấn đề này. Tranh cãi ngoại giao giữa hai nước không chỉ làm sứt mẻ quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng tới những nỗ lực chung mà hai bên cùng tham gia. 

Tranh cãi giữa Pháp và Italy về cách xử lý làn sóng di cư ồ ạt từ khu vực Bắc Phi sang châu Âu đã bị thổi bùng sau khi Pháp đóng cửa biên giới không cho các chuyến tàu hỏa từ Italy chở người nhập cư châu Phi vào nước này từ cuối tuần qua. Chính quyền Italy đã ra tuyên bố phản đối chính thức và các buộc Pháp đang vi phạm các nguyên tắc của châu Âu về tự do đi lại.

Có thể nói rằng, vấn đề nhập cư trái phép luôn làm đau đầu các nhà cầm quyền châu Âu, song trong bối cảnh hiện tại, nó càng khứa sâu thêm những mâu thuẫn giữa các quốc gia “đầu tàu” của châu lục này.

Trên thực tế, rất khó có thể ngăn chặn hàng chục nghìn người chạy trốn bạo lực đẫm máu ở Bắc Phi tràn vào Italy, bởi về mặt địa lý, Italy là điểm tiếp cận gần nhất với lục địa Phi qua bờ Địa Trung Hải. Kể từ khi có Hiệp định Schengen, Italy đã trở thành “cửa khẩu” để những người vượt biên có thể nhập cư bất hợp pháp vào các nước châu Âu.

Trước viễn cảnh người nhập cư từ các đảo cực Nam của Italy tiến tới biên giới các nước châu Âu khác, các chính phủ châu Âu buộc phải tỏ rõ thái độ, trong đó Pháp phản ứng mạnh mẽ nhất. Điều này cũng là dễ hiểu khi đa số người nhập cư đều nhắm đến đích cuối cùng là Pháp - nơi có nhiều thân nhân, bạn bè của họ đã định cư, chứ chẳng có mấy người muốn ở lại Italy.

Như vậy, có thể thấy, mâu thuẫn giữa 2 quốc gia này chủ yếu liên quan đến việc chịu trách nhiệm. Italy đã nhiều lần kêu gọi châu Âu phải vào cuộc, và việc Chính quyền Roma cấp giấy tạm trú cho người nhập cư trong 6 tháng cũng chính là cách gây sức ép để các nước khác phải nhanh chóng hợp tác giải quyết. Trong khi đó, Pháp lại không chấp nhận gánh vác một phần khó khăn do cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Bắc Phi mang lại. Pháp chỉ muốn nhận những người tị nạn chinh trị chứ không nhận những người di dân vì lý do kinh tế.

Lo sợ về cái giá phải trả nếu không thắt chặt chính sách nhập cư, Pháp chỉ xem xét cho nhập cảnh đối với những người có khả năng tự nuôi sống mình. Yếu tố chính trị cũng quyết định lập trường của Pháp trong vấn đề nhập cư. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tỏ ra cứng rắn hơn trong việc xử lý vấn đề người nhập cư là nhằm lôi kéo các cử tri cánh hữu cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Pháp và Italy, mỗi nước đều có cái lý của mình trong việc xử lý vấn đề nhập cư và mặc dù rất thiện chí song hai bên chưa tìm được giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Nội vụ hai nước đã gặp nhau và nhất trí kế hoạch cùng kiểm soát các tuyên đường vượt biên, song lực lượng an ninh quá mỏng để có thể bao quát cả vùng biển rộng lớn.

Va chạm giữa Pháp và Italy là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng nghiêm trọng của các “đầu tàu” châu Âu. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà nó còn cản trở việc tiến hành những nỗ lực chung của hai quốc gia và cả châu lục. Các nước phương Tây đang đánh mất hình ảnh của chính mình khi luôn tuyên bố các ưu tiên vì mục đích nhân đạo, vậy mà không có được một cơ chế phù hợp giải quyết vấn đề nhập cư do những bất ổn Bắc Phi.

Để ngăn chặn tận gốc nạn nhập cư, cần có những giải pháp hỗ trợ các quốc gia Bắc Phi nhanh chóng ổn định an ninh xã hội, song cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu không dư dả để có thể vung tay. Trớ trêu hơn, các nước phương Tây mà đứng đầu là Pháp và Anh đã xới lên những căng thẳng tại Libya - một chiến trường ngày càng diễn biến phức tạp do sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Có thể thấy rằng, Italy sẽ tiếp tục là “cửa khẩu” bất đắc dĩ cho làn sóng nhập cư từ Bắc Phi vào châu Âu nếu các nước phương Tây, cũng như cộng đồng quốc tế không sớm có những bước đi cụ thể hơn nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Bắc Phi./.