Trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với thực tế tình hình ngân sách đang bị thâm hụt ở mức cao, cộng với những ảnh hưởng của cuộc suy thoái đã đặt nền kinh tế Mỹ vào tình trạng hết sức khó khăn, việc tháng 2/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2012 và Hạ viện Mỹ thông qua tháng 7/2011 được dư luận quốc tế quan tâm.
Binh sĩ Mỹ tham chiến tại chiến trường Iraq |
Theo đề xuất của Tổng thống Mỹ, ngân sách quốc phòng (NSQP) năm 2012 là 670,9 tỷ USD, trong đó ngân sách chi cơ bản là 553,1 tỷ và một khoản dành riêng cho cho các chiến dịch ở nước ngoài hiện nay là 117,8 tỷ USD.
NSQP cơ bản 553,1 tỷ USD, tăng 22 tỷ so với năm 2010, và 4,2 tỷ USD so với ngân sách dự kiến năm 2011. Điều này phản ánh sự đầu tư liên tục cho các ưu tiên an ninh quốc gia trong một số lĩnh vực như: an ninh mạng, vệ tinh và hạt nhân. Mặc dù không nằm trong số các tổ chức mà Tổng thống hạn chế chi tiêu tùy ý nhưng Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ cũng đang thực hiện một loạt những cải cách về mua sắm và quản lý sẽ giúp có được khoản tiết kiệm 78 tỷ USD từ năm 2012 - 2016 so với mức của năm trước. Các biện pháp cắt giảm chi phí bao gồm việc hợp nhất một số trung tâm tác chiến của Không quân, giảm chi phí xây dựng của Lục quân và chiến lược mua sắm trong nhiều năm của Hải quân.
NSQP dành cho các cuộc chiến hiện nay tại nước ngoài là 117,8 tỷ USD, giảm 41,5 tỷ USD. Việc giảm ngân sách quốc phòng dành cho các chiến dịch ở nước ngoài năm 2012 là do Mỹ dự kiến sẽ chuyển giao các nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại Afghanistan sang cho Bộ Ngoại giao Mỹ đảm nhận.
Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu: Mỹ cam kết hỗ trợ cho các quân nhân các nguồn lực cần thiết để ứng phó với các mối đe dọa đa dạng, phức tạp và bất thường do môi trường an ninh tạo ra. Để thực hiện mục tiêu này, NSQP 2012 dành 172 tỷ USD cho quỹ Hoạt động và Bảo dưỡng để hỗ trợ khả năng sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện.
Để ứng phó với các mối đe dọa đang nổi lên: Mỹ hỗ trợ tiếp tục cải thiện khả năng của BQP nhằm bảo vệ quân nhân và những người khác trước các mối đe dọa đang nổi lên cả ở Mỹ và nước ngoài với một số sáng kiến như tài trợ toàn bộ số tiền 31,8 triệu USD cho việc tái tổ chức đơn vị ứng phó về hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và chất nổ, và thêm 8 lực lượng ứng phó nội địa sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2012; cấp 200 triệu USD xây dựng mối quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân cho cơ sở sản xuất vacine để hỗ trợ Sáng kiến Biện pháp y tế mới của chính quyền; 138 triệu USD tiếp tục xây dựng Viện về các bệnh truyền nhiễm của BQP tại Cơ sở phòng thủ sinh học liên ngành mới.
Duy trì khả năng răn đe hạt nhân: Mỹ sẽ hiện đại hóa kho vũ khí và các cơ sở hạt nhân. Ngoài ra, còn tiếp tục quan tâm đến việc duy trì và hiện đại hóa các hệ thống vận chuyển chiến lược, góp phần đảm bảo khả năng răn đe đa dạng trong bối cảnh có nhiều thách thức và công nghệ phát triển nhanh. Điều này bao gồm những cam kết cụ thể nhằm duy trì khả năng triển khai liên tục trên biển các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương cũng như khả năng triển khai thêm các tàu ngầm khi có khủng hoảng; duy trì tên lửa Minuteman III của Không quân cho đến năm 2030; và hiện đại hóa lực lượng máy bay ném bom hạng nặng phục vụ cho một tương lai bất định.
Hỗ trợ đồng minh chống khủng bố: Cung cấp viện trợ để phát triển năng lực an ninh của các nước là một bộ phận quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Iraq, Afghanistan và trong chiến lược an ninh quốc gia tổng thể. Bên cạnh những chương trình liên quan trực tiếp đến hoàn thành sứ mệnh tại Iraq và các hoạt động chiến đấu ở Afghnistan, ngân sách cũng dành 500 triệu USD cho chương trình viện trợ “huấn luyện và trang bị” quân sự toàn cầu.
Hỗ trợ quân nhân và gia đình họ: Ngân sách dành 8,3 tỷ USD để hỗ trợ các gia đình quân nhân, bao gồm khoản 1,2 tỷ USD để mở rộng khả năng sẵn có của dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao, chi phí hợp lý; 4,7 tỷ USD để cải thiện chất lượng cuộc sống của quân nhân; và 2,4 tỷ USD để duy trì và xây dựng các trường học của BQP, hỗ trợ giáo dục cho những người phụ thuộc vào quân đội.
Chăm sóc y tế cho quân nhân: Mỹ duy trì những nỗ lực hiện nay về chăm sóc y tế chất lượng cao cho hơn 9,6 triệu quân nhân, người về hưu và gia đình họ. Việc này bao gồm việc hỗ trợ hiện có cho các trung tâm và đơn vị cứu thương với các thương tật về thính giác, thị giác và tổn thương thần kinh cũng như các lĩnh vực khác nhằm tiếp tục cải thiện việc chăm sóc y tế cho các quân nhân.
Cải cách mua sắm:BQP tiếp tục thực thi việc cải cách mua sắm, giảm thiểu những hợp đồng có độ rủi ro cao liên quan đến thời gian - nguyên liệu và thời gian - lao động, hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chủ chốt nhằm mục đích cung cấp cho binh sĩ những công nghệ tốt nhất đáp ứng được yêu cầu trên chiến trường, đồng thời xóa bỏ hoặc tái cấu trúc các chương trình mua sắm có ưu tiên thấp hơn. Song song với việc tiến hành cải cách, BQP sẽ tiến hành cải tiến cung cách mua sắm nhằm giảm chi phí và tăng cường cơ sở công nghiệp.
Loại bỏ những hệ thống vũ khí không cần thiết: Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) đã đề xuất việc loại bỏ một số hệ thống vũ khí chủ chốt gặp vấn đề trong phát triển, phát sinh chi phí, hoặc không đáp ứng được trước những thách thức về an ninh hiện nay. Những hệ thống này bao gồm Xe chiến đấu Viễn chinh của Thủy quân lục chiến, hệ thống tên lửa không đối không tầm trung của Lục quân, và tên lửa hải đối không SM Block IIIB của Hải quân. Chi phí tiết kiệm được từ việc từ bỏ các chương trình trên vượt quá 13 tỷ USD.
Nâng cao hiệu quả quản lý trong BQP: BTQP đang tiến hành những thay đổi lớn trong việc quản lý BQP, từ các quân binh chủng riêng lẻ cho tới Văn phòng BTQP. BTQP cũng đề xuất những thay đổi có thể mang lại mức tiết kiệm ròng lên tới 78 tỷ USD trong vòng 5 năm. Việc nâng cao quản lý này nhằm vào việc tạo ra một tổ chức tinh giản, linh hoạt và hiệu quả đồng thời mở thông nguồn lực vốn gắn với các hoạt động có ưu tiên thấp hay thậm chí những di sản của việc Quân đội Mỹ được tổ chức trong Chiến tranh lạnh. Gần 100 tỷ USD tiết kiệm từ chương trình này sẽ được tái đầu tư vào các ưu tiên cao hơn trong BQP.
Vốn Nghiên cứu và Phát triển cho quân đội: Mỹ đã định rõ việc cấp vốn đầy đủ cho những nhu cầu về khoa học và kỹ thuật dài hạn của quốc gia, bao gồm cả các nhu cầu cho an ninh quốc gia, ngay cả trong tình hình ngân sách eo hẹp. Theo đó, Ngân sách đề nghị 76,7 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá, bao gồm 12,2 tỷ USD dành cho các chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn đầu. Những chương trình này, bao gồm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, cũng như phát triển công nghệ ban đâu, cho phép quốc gia khai phá những nguyên lý khoa học khác nhau và những ứng dụng công nghệ, bao gồm phòng chống vũ khí sinh học, an ninh mạng, và sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả hơn.
Hiện đại hóa các hệ thống vũ khí: Ngân sách yêu cầu 113 tỷ USD dành cho việc tiếp tục mua các hệ thống vũ khí tiên tiến và những trang bị khác nhằm hỗ trợ cho các cuộc chiến tranh trong giai đoạn hiện nay cũng như các xung đột trong tương lai, bao gồm: các xe bọc thép nâng cấp nhằm bảo vệ binh sĩ tốt hơn (593 triệu USD), tầu ngầm lớp Virginia nhằm nâng cao khả năng của Hải quân đối với tác chiến ven biển cũng như hỗ trợ cho lực lượng tác chiến đặc biệt (4,7 tỷ USD), Vệ tinh Siêu cao tần tiên tiến nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho tất cả các quân binh chủng của Lực lượng vũ trang (975 triệu USD), và máy bay tàng hình JSF F35 (9,7 tỷ USD).
Ngăn chặn xâm nhập vào cơ sở hạ tầng thông tin: Ngân sách dành ra 2,3 tỷ USD cho việc hỗ trợ tăng cường khả năng an ninh, cũng như nỗ lực chung giữa BQP và Bộ an ninh Nội địa nhằm nâng cao hiệu quả an ninh mạng. Chính quyền cũng đề xuất 119 triệu USD nhằm hỗ trợ đầy đủ khả năng tác chiến cho Bộ Tư lệnh Mạng, nhằm định hướng hoạt động cũng như bảo vệ an toàn cho các mạng thông tin cụ thể. Cùng với việc tăng cường khả năng tác chiến, Chính quyền cũng cấp ngân sách dành cho những khoa học và công nghệ mạng mới và đang phát triển; tăng cường hoạt động của BQP nhằm bảo vệ những hệ thống thông tin chủ chốt; và phối hợp với Bộ An ninh Nội địa, hỗ trợ hoạt động đảm bảo an ninh mạng cũng như định hướng các chương trình nhằm bảo vệ các hệ thống mạng thông tin thiết yếu.
Như vậy, với dự báo thâm hụt ngân sách năm nay vào khoảng 1.300 tỷ USD và nợ quốc gia ở mức kỷ lục là 14.300 tỷ USD, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách là điều khó tránh khỏi. Tuy ngân sách tổng thể của Chính phủ Liên bang giảm nhưng NSQP trong năm 2012 của Mỹ tiếp tục tăng và dự kiến sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo. Việc cắt giảm chi tiêu cho các chương trình hiện đại hóa quân sự hiện nay của BQP Mỹ chỉ là tạm thời và sẽ được tái thực hiện trong tương lai. Điều này thể hiện tham vọng và bản chất chính sách đối ngoại quốc phòng của Mỹ là dùng sức mạnh quân sự để răn đe và tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo thế giới./.