Ngày 2/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã bất ngờ tới Afghanistan ngay sau khi tới Iraq tham dự lễ kết thúc sứ mạng chiến đấu của Mỹ tại nước này sau 7 năm tham chiến.

Việc Tổng thống Mỹ hôm 31/8 chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tại Iraq vốn đã thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng hành động của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ càng làm dư luận chú ý hơn bởi có lẽ chính nó đã phần nào lý giải cho những câu hỏi mà dư luận đặt ra liên quan đến việc kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

Ngay khi Mỹ tuyên bố sẽ rút hết các lực lượng tác chiến Mỹ khỏi Iraq để kết thúc cuộc chiến mang tên “Chiến dịch giải phóng người dân Iraq” kéo dài đã 7 năm và thậm chí đã hoàn thành việc rút quân trước thời hạn đến 2 tuần lễ... thì các nhà phân tích đã nêu một loạt lý do để lý giải cho hành động này.

Trong số đó việc Mỹ đang muốn tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan được coi là lý do khá rõ rệt. Chẳng thế mà từ Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bay ngay sang Afghanistan. Và trong chuyến thăm này, người đứng đầu Lầu Năm Góc dự kiến sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà Hamid Karzai, gặp Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, Tướng David Petraeus và thăm các binh lính Mỹ đang đóng quân tại quốc gia Nam Á này. Không gì khác, đây là một hành động “uý lạo” tinh thần của những người còn đang phải tiếp tục trong một cuộc chiến “vô tiền, khoáng hậu” khác.

rut-quan.jpg

Mỹ rút quân khỏi Iraq kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm tại nước này

Trong bài phát biểu hàng tuần trên đài phát thanh ngày 30/8, khi nói về việc rút quân khỏi Iraq, Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Sau hơn 7 năm triển khai quân tại Iraq, Mỹ sẽ chấm dứt sứ mạng chiến đấu và tiến một bước quan trọng tới việc kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm”. Thế nhưng, thế nào là “kết thúc một cách có trách nhiệm” thì nhìn vào thực tế tình hình Iraq không ai tin được những phát biểu ấy. Chỉ mới đây thôi, Tướng Ray Odierno, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Iraq đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị ở Iraq, cảnh báo rằng thất bại trong việc thành lập chính phủ mới ở quốc gia này có thể hủy hoại niềm tin của người dân Iraq vào thể chế dân chủ.

Trong khi đó, Cơ quan kiểm toán Mỹ cũng vừa công bố các số liệu cho thấy khi rút khỏi Iraq, Mỹ để lại hàng trăm dự án chưa hoàn thành hoặc không được thực hiện, chưa kể nhiều dự án đã hoàn tất nhưng hoạt động không hiệu quả....

Việc quyết tâm rút khỏi cuộc chiến Iraq mang lại cho Chính quyền của Tổng thống Barack Obama những điều kiện “cần” trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Nó sẽ ghi thêm những điểm quan trọng cho các ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bởi chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq, Mỹ sẽ chỉ còn lưu lại chiến trường này chưa đầy 50.000 quân so với khoảng 144.000 binh sĩ hồi tháng 1/2009 và lúc cao điểm nhất năm 2007 thì lên tới 170.000 quân.

Như vậy sẽ thật là “nhất cử, lưỡng tiện”. Mỹ đang cần tăng quân cho cuộc chiến ở Afghanistan đến hồi gay cấn mà thực lực nền kinh tế Mỹ đang chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sẽ thật là khó khăn nếu Mỹ vẫn cứ “căng ra” cho cả hai cuộc chiến “hao người, tốn của” vào thời điểm này.

Thêm vào đó, theo thống kê chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, sau hơn 7 năm phát động cuộc chiến tại Iraq, khoảng 4.400 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại chiến trường này. Và những ngày gần đây lại nghi nhận những vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong vẫn liên tục diễn ra. Những thực tế đó khiến cử tri Mỹ càng không thể chấp nhận việc kéo dài thêm cuộc chiến tại Iraq.

Với tất cả những gì diễn ra trong tuần liên quan đến cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, liên hệ với tình hình thực tế Iraq khó có thể nói rằng, cuộc chiến của Mỹ đã kết thúc thực sự và càng không ai dám khẳng định, kết thúc cuộc chiến Iraq, Mỹ đã thực sự chấm dứt cái “sứ mạng” vẫn tự xướng là “thực thi dân chủ” ở quốc gia khác./.