Ngày 5/1 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức công bố đề xuất quy định mới thắt chặt kiểm soát súng đạn trong một bài phát biểu đầy xúc động, đồng thời kêu gọi nước Mỹ thức tỉnh trước tình trạng bạo lực súng đạn. 

Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Obama trong năm cuối nhiệm kỳ để ngăn chặn bạo lực súng đạn vốn làm khoảng 30.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm.

obama2_jmxo.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama không cầm được nước mắt khi nói về những nạn nhân của bạo lực do súng đạn (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama thậm chí đã không cầm được nước mắt khi nói về 20 học sinh tiểu học bị bắn chết cách đây 3 năm ở Newtown, bang Connecticut. “Mỗi lần nghĩ đến những đứa trẻ này, tôi như phát điên lên. Những việc này cũng xảy ra hàng ngày trên đường phố Chicago”, ông Obama nói.

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẽ dùng quyền của Tổng thống theo Hiến định để “qua mặt” Quốc hội, đưa ra các biện pháp hạn chế sở hữu súng đạn. Theo đó, sẽ kiểm tra bắt buộc nhân thân người mua súng, tăng cường hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng, tất cả những người bán súng đều phải có giấy phép, mở rộng việc điều trị tâm lý, thông báo công khai các trường hợp mắc bệnh tâm thần, cải thiện luật kiểm soát súng đạn, nghiên cứu các công nghệ đảm bảo an toàn khi sử dụng súng, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong nước.

“Tất cả chúng ta cần yêu cầu Quốc hội đủ can đảm để đối diện với những phe phái đang tìm cách vận động, cổ súy việc tự do sử dụng súng… Chúng ta phải nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề này... Không thể tiếp tục trì hoãn thêm nữa”, Tổng thống Obama nói.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh cáo những phe phái vận động ủng hộ quyền tự do sử dụng súng đạn không nên tìm cách ngăn cản các quyết định của Quốc hội. Ông Obama nhấn mạnh, “mặc dù hiện họ có thể kiểm soát Quốc hội, song họ không thể nắm giữ sinh mệnh của người dân Mỹ”.

Đôi nét về tình hình mua bán súng đạn ở Mỹ

Theo số liệu thống kê năm 2015 của Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF), tại Mỹ, có hơn 55.000 đại lý súng được cấp phép. Trong đó bao gồm cả những cửa hàng tư nhân nhỏ đến những chuỗi cửa hàng lớn như Walmart. Ngoài ra còn có hơn 8.000 cửa hàng cầm đồ được cấp phép bán súng.

Súng là mặt hàng phổ biến ở Mỹ (Ảnh: Tân Hoa xã)

Luật pháp liên bang quy định người mua súng ở các đại lý được cấp phép cũng như các cửa hàng cầm đồ đều phải được kiểm tra nhân thân. Tuy nhiên, không phải tất cả người mua súng đều tới các cửa hàng mà có thể mua ở chợ đen hay mua của những người sở hữu khác và ở phần lớn các bang, người buôn súng không có giấy phép trong khi việc kiểm tra nhân thân của người mua cũng không được thực hiện.

Theo nghiên cứu của Chiến dịch ngăn chặn bạo lực súng đạn Brady, từ năm 1994 đến nay, hoạt động kiểm tra nhân thân người mua súng đã ngăn việc bán ra khoảng 2,4 triệu khẩu súng. Tuy nhiên, có tới 40% số lượng súng được bán ra ở Mỹ không được kiểm soát.

Súng đạn ở Mỹ cũng được quảng cáo trên các trang mạng nhưng theo luật liên bang, giao dịch thực tế phải diễn ra ở cửa hàng được cấp phép hoạt động. Các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của những cơ sở này theo định kỳ. Một nghiên cứu được thực hiện đối với các trang mua sắm trực tuyến cho thấy, cứ 30 người tìm mua súng trên mạng internet thì có 1 đối tượng có tiền án.

Năm 1998, Hệ thống quốc gia kiểm tra tức thời nhân thân tội phạm (NICS) được đưa vào áp dụng trên cơ sở sửa đổi Luật Brady năm 1991 với mục đích kiểm soát lý lịch người mua súng. Theo FBI, trong năm 2014, NICS đạt tỷ lệ 91% xác định “ngay lập tức” nhân thân những người muốn mua súng, đúng như tên gọi của Hệ thống này, 9% còn lại cần phải có thêm thời gian để kiểm tra. Nếu quá trình kiểm tra, bao gồm cả việc liên hệ với chính quyền địa phương không thể hoàn thành trong 3 ngày làm việc, các đại lý được cấp phép vẫn có thể bán súng cho người mua với lý lịch chưa được kiểm tra đầy đủ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, có 9 đối tượng bị cấm mua bán súng đạn bao gồm những kẻ phạm tội, tội phạm đào tẩu, người nghiện ma túy hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp, người bị bệnh tâm thần, người bị sa thải khỏi các lực lượng vũ trang, người từ bỏ quốc tịch Mỹ, người nhập cư trái phép và người có liên quan đến bạo lực gia đình…

Luật pháp liên bang cũng cấm các đại lý được cấp phép bán súng ngắn cho những người dưới 21 tuổi, cấm bán súng trường và súng săn cho những người dưới 18 tuổi. Người bán không có giấy phép không thể bán súng ngắn cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi nhưng lại có thể “bán, cung cấp hoặc chuyển nhượng một khẩu súng trường hoặc súng săn, đạn dược cho một người khác ở mọi lứa tuổi”, theo Trung tâm Pháp luật Phòng chống Bạo lực Súng đạn Mỹ.

Mỹ là một trong những quốc gia sử dựng vũ khí nhiều nhất trên thế giới (Ảnh: Getty)

Luật pháp liên bang không hạn chế việc công khai mang theo súng và có 31 bang tại Mỹ cho phép tự do mang theo một khẩu súng ngắn mà không cần bất kỳ loại giấy phép nào. Ở Mỹ, người có nhu cầu mua súng có thể mua được một khẩu súng trường với giá thấp nhất chỉ hơn 100 USD trong khi chi phí cho một khẩu súng lục là khoảng 200 USD.

Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dựng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Súng đạn hiện được xếp thứ 13 trong danh mục các nguồn gốc dẫn tới chết người nhiều nhất hàng năm ở Mỹ. 

Kế hoạch của Tổng thống Obama có mang lại thay đổi lớn?

Kiểm soát súng đạn ở Mỹ không phải “câu chuyện bây giờ mới kể”. Trên thực tế, bạo lực liên quan tới súng đạn và kiểm soát súng đạn vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa nắm đa số. Trong khi Nhà Trắng muốn ban hành một đạo luật siết chặt quản lý súng đạn thì đề xuất này luôn vấp phải sự phản đối của đa số nghị sỹ Cộng hòa. 

Đúng như dự đoán cho rằng hành động đơn phương này của Tổng thống Obama có thể châm ngòi cho một cuộc tranh cãi dai dẳng dẫn đến các động thái pháp lý. Phe Cộng hòa ngay lập tức lên tiếng cáo buộc ông Obama đã vượt quá quyền hạn. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan chỉ trích việc Nhà Trắng không tham vấn Quốc hội về vấn đề này và khẳng định, Tổng thống sẽ không thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ nếu các nghị sỹ Mỹ không biết chi tiết về kế hoạch kiểm soát súng đạn của chính quyền.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói: "Chúng tôi không đánh bại những kẻ xấu bằng cách vứt đi những khẩu súng của chúng tôi. Chúng tôi đánh bại chúng bằng cách sử dụng súng trong tay". Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan thì cho rằng, Tổng thống Obama đã “mắc sai lầm nguy hiểm trong điều hành”.

Tỷ phú Donald Trump, một trong các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, chỉ trích kế hoạch của ông Obama là một bước trong lộ trình không cho phép mua bán súng. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain thì gọi "đây là một sự lạm dụng cổ điển quyền hành pháp".

Cặp vợ chồng tìm mua súng tại một cửa hàng ở Florida, Mỹ (Ảnh: Getty)

Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ nặng ký nhất của đảng Dân chủ Hillary Clinton mặc dù ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama, vẫn cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp hành chính nào cũng có thể dẫn đến tác động xấu đối với sự cải tổ toàn diện trong đảng Dân chủ hiện nay.

Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều nhưng giáo sư luật Jonathan Adler tại Đại học Case Western Reserve cho rằng, kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát súng đạn mới của Tổng thống Obama không phải là một sự thay đổi lớn mà chỉ đơn thuần là “những chỉ dẫn rõ ràng hơn” cho những gì mà luật pháp Mỹ liên quan đến kiểm soát súng đạn đã quy định. Giáo sư Adler kết luận rằng, “bước đi cụ thể này là khá khiêm tốn”.

Bản thân Hiệp hội Súng đạn Quốc gia Mỹ (NRA) cũng cho biết, họ không mấy bận tâm đến những thay đổi trong việc kiểm soát súng đạn bởi những điều chỉnh được chính quyền Tổng thống Obama đưa ra dù là một tuyên bố chính trị lớn, nhưng về mặt kỹ thuật, đây chỉ là cách giải thích rõ hơn những quy định đã tồn tại. Thậm chí, người phát ngôn của NRA còn cho rằng, “đây là một màn kịch chính trị để đánh lạc hướng chỉ trích của dư luận đối với những thất bại trong chính sách của Tổng thống”.

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Hành động Lập pháp của Hiệp hội Súng đạn Quốc gia Mỹ cho rằng, “thực tế là đề xuất của Tổng thống Obama sẽ không thể ngăn cản các vụ việc khủng khiếp liên quan đến súng đạn như ông ấy đề cập. Thời điểm ông Obama đưa ra thông báo này là khi ông ấy đã ở năm cuối của nhiệm kỳ, điều này chứng tỏ kế hoạch của Tổng thống chỉ mang màu sắc chính trị hơn là hướng tới một chính sách tác động thực sự đến đời sống xã hội”.

Kiểm soát súng đạn lâu nay vẫn được xem là "vùng chết chính trị" ở Mỹ dù thông thường, đảng Cộng hòa ủng hộ sở hữu súng còn đảng Dân chủ tìm cách hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Dân chủ cho rằng, chính sách hạn chế súng đạn đã khiến các ứng cử viên đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử, mà đơn cử là trường hợp của cựu phó Tổng thống Al Gore – người có quan điểm phản đối súng đạn, ông đã thất bại ngay tại chính bang quê hương Tennessee khi tranh cử Tổng thống hồi năm 2000. Vì vậy, nhiều chính trị gia Dân chủ tránh né, không dám đụng đến vấn đề súng đạn vì sợ mất lá phiếu. Cùng với lý do nói trên và việc sử dụng súng đạn đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa Mỹ thì chắc chắn, vấn đề kiểm soát súng đạn ở quốc gia này vẫn sẽ là một câu chuyện dài chưa có hồi kết./.