“Quyền lực thông minh” hay còn gọi là “Quyền lực mềm” là thuật ngữ trong quan hệ quốc tế chỉ khả năng kết hợp quyền lực cứng với quyền lực mềm vào một chiến lược nhằm mang lại thắng lợi.

“Quyền lực thông minh” có liên quan tới chiến lược sử dụng ngoại giao, thuyết phục, xây dựng năng lực và điều khiển các sức mạnh và sự ảnh hưởng trong nhằm đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Qua nghiên cứu các cuộc chiến của Mỹ trong những năm gần đây, các chuyên gia đã khái quát và dự báo xu hướng triển khai lực lượng của Mỹ quy mô toàn cầu trong thời gian tới.

Bí mật triển khai lực lượng đặc nhiệm

Mỹ sẽ giảm bớt việc triển khai quân sự theo cách truyền thống (triển khai lực lượng đồn trú ở nước ngoài hoặc đưa lục quân tham chiến trực tiếp vào các chiến trường có lợi ích chiến lược của Mỹ) mà thay vào đó sẽ bí mật triển khai lực lượng đặc nhiệm, tình báo, coi đây là lực lượng đồn trú ở nước ngoài trong thời gian tới. Đây là cách giúp quân đội Mỹ vừa giảm được chi phí quân sự thông qua việc giảm các chiến dịch truyền thống, vừa tăng tính hiệu quả trong can dự quân sự bằng các hoạt động tác chiến đặc biệt, tình báo. Theo đó, Mỹ sẽ không thực hiện các chiến dịch quân sự truyền thống quy mô lớn (đưa lục quân tham gia chiến trường như trong 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan vừa qua), mà tăng cường các chiến dịch bí mật, quy mô tinh gọn và có hiệu quả cao.

 

may%20bay%20khong%20nguoi%20lai.jpg
Một chiếc không người lái của Mỹ có khả năng tiến hành ám sát từ trên không (ảnh: PressTV)

Theo Đô đốc Bill McRaven, Chỉ huy trưởng các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ, người đã chỉ huy chiến dịch trừ khử Bin Laden tại Pakistan, lực lượng rút khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan sẽ được triển khai tại các “khu vực mà Mỹ đã lơ là trong cuộc chiến chống khủng bố” thời gian vừa qua. Lực lượng đặc nhiệm sẽ được triển khai gần các khu vực “khủng hoảng” bằng cách thực hiện các cuộc thâm nhập bí mật vào lãnh thổ các quốc gia hoặc sử dụng lực lượng đặc nhiệm của các quốc gia đồng minh đã được Mỹ huấn luyện, đào tạo.

Tận dụng lực lượng tại chỗ

Mỹ tận dụng lực lượng tại chỗ trong việc xác định mục tiêu, đối tượng cần trừ khử hoặc thông qua hợp tác quân sự để giải quyết khủng hoảng, thậm chí sử dụng biện pháp cuối cùng là can thiệp bí mật vào lãnh thổ nước đối tượng bằng các chiến dịch đặc biệt có sử dụng đặc nhiệm, tình báo của Mỹ. Các nhà dự báo cho rằng, Chính quyền Obama sẽ tăng cường chi tiêu cho các chiến dịch đặc biệt và thu thập tin tình báo, vì đây là 2 phương tiện hiệu quả giúp chính quyền Obama giải quyết các mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Mỹ trên quy mô toàn cầu thay vì can thiệp bằng lục quân trực tiếp như trong 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, với phương thức tác chiến này, Mỹ sẽ gặp phải sự công kích mãnh liệt của các nước đồng minh và của các quốc gia có chủ quyền khi Mỹ xâm phạm bất hợp pháp chủ quyền quốc gia của họ. Đây sẽ là chướng ngại vật lớn nhất đối với Mỹ trong triển khai phương thức tác chiến mới vừa tốn ít chi phí vừa mang lại hiệu quả cao.

Trừ khử Bin Laden tại Pakistan được đánh giá là thành công lớn của quân đội Mỹ và Chính quyền Obama trong năm 2011, song cũng là minh chứng cho sự thiếu hụt về tính pháp lý quốc tế trong sử dụng các chiến dịch đặc nhiệm. Chính vì vậy, đây sẽ là vấn đề mà quân đội Mỹ, chính quyền Mỹ phải cân nhắc trong sử dụng các chiến dịch đặc biệt trong tương lai.

Thúc đẩy dân chủ “thông minh” hơn

Trong việc can dự nhằm lôi kéo các nước đi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu chiến lược là “thúc đẩy dân chủ” kiểu Mỹ trên quy mô toàn cầu. Nhưng để thực hiện mục tiêu trên, Mỹ chủ trương thực hiện biện pháp chiến lược là sử dụng “quyền lực thông minh” (Smart Power) hoặc “quyền lực mềm” (Soft Power) để từng bước chắc chắn can dự vào các nước, các khu vực mà Mỹ cho rằng có lợi ích chiến lược.

Trong thời gian gần đây các biện pháp nổi lên là gia tăng hợp tác giáo dục, hỗ trợ giới trẻ của các nước thông qua hợp tác giáo dục, đào tạo hoặc tạo cơ hội việc làm không những tại các công ty của Mỹ ở nước sở tại mà còn tại các công ty, tập đoàn trên lãnh thổ Mỹ phục vụ cho việc đào tạo, coi đây là lực lượng xung kích trong lật đổ các chính quyền có xu hướng xa rời ảnh hưởng của Mỹ hoặc cứng đầu chống lại ảnh hưởng, lợi ích chiến lược của Mỹ. Phương thức này đã được Mỹ sử dụng tại các nước Bắc Phi-Trung Đông trong thời gian gần đây, song đây sẽ được Mỹ tăng cường sử dụng trong thời gian tới, nhất là tại các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển.

Trong thời gian qua, Mỹ đã thực hiện các chiến dịch đặc biệt (lực lượng đặc nhiệm, tình báo, máy bay trinh sát/chiến đấu không người lái) để giải quyết các mục tiêu, đối tượng làm tổn hại hoặc có nguy cơ làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của Mỹ. Đây sẽ là xu thế triển khai quân chủ yếu của Mỹ trên quy mô toàn cầu kết hợp với tăng cường sử dụng các biện pháp ngoại giao “mềm, thông minh” với thủ đoạn lợi dụng giới thanh niên các nước làm lực lượng xung kích lật đổ các chính quyền chưa đi theo quỹ đạo ảnh hưởng, đi theo chế độ “dân chủ” kiểu Mỹ.

Như vậy, để thực hiện mục tiêu can dự toàn cầu, Mỹ đã có bước chuyển quan trọng, mang tính đột phá là sử dụng “quyền lực thông minh” hay “quyền lực mềm” thay thế cho các phương pháp truyền thống, nhằm đạt hiệu quả cao, nhất là đối với những khu vực mà Mỹ có lợi ích chiến lược./.