“Tương lai của Syria không có Tổng thống Bashar Al-Assad” đã bất ngờ được Mỹ nhắc tới ngày 26/10, hoàn toàn trái ngược với những gì mà chính quyền mới tại Mỹ thể hiện trong suốt hơn 10 tháng qua.

assad_954x516_fxpt.jpg
Mỹ lại đặt tương lai Tổng thống Syria Bashar Al-Assad lên bàn cân. (Ảnh: almasdarnews)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, chính phủ Mỹ không nghĩ rằng sẽ có một tương lai cho chính quyền Tổng thống Al-Assad tại Syria. Theo ông, Mỹ muốn một đất nước Syria toàn vẹn và thống nhất, mà ông Bashar Al-Assad sẽ không đóng bất kỳ một vai trò gì.

Phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đưa ra vài giờ trước khi các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) công bố một báo cáo được chờ đợi từ lâu về vụ tấn công bằng khí độc Sarin hôm 4/4 vừa qua tại Khan Shaykhun, miền Bắc Syria, làm hơn 80 người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt cũng giống như Mỹ, Pháp và Anh, những chuyên gia này khẳng định, chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Bản báo cáo cùng với những tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước, trong đó có Nga và Trung Quốc. Những nước này nhiều lần nhấn mạnh, tương lai của Syria phải do chính người Syria lựa chọn. Chính phủ Nga mới đây cũng đề xuất tổ chức một đại hội dân tộc Syria, với sự tham dự của tất cả các phe phái đối lập tại nước này, coi đây là cơ hội để chấm dứt khủng hoảng và xây dựng tương lai đất nước.

“Chúng tôi đang thảo luận về sáng kiến tổ chức một đại hội dân tộc Syria”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. “Đây là một sáng kiến chung với các nước đối tác và đang được Nga thúc đẩy. Như các bạn biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nói, việc thực thi sáng kiến này sẽ giúp hòa bình và sự ổn định của Syria”.

Rõ ràng, với tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Mỹ đã cho thấy một lập trường hoàn toàn trái ngược với những gì mà nước này đã thể hiện trong suốt hơn 10 tháng qua, đó là không còn coi sự ra đi của Tổng thống Al-Assad là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ đột nhiên thay đổi quan điểm về số phận của ông Assad phần nhiều liên quan tới tình hình chiến sự đang diễn ra tại Syria, với đà thắng đang nghiêng về các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria  trên cả mặt trận chống khủng bố, cũng như trong cuộc nội chiến. Và do vậy, Mỹ muốn loại bỏ hòn đá ngáng đường này trong kế hoạch Trung Đông của mình và mục tiêu lật đổ chính quyền Al-Assad tiếp tục trở thành thứ mà nước này và các đồng minh phương Tây muốn áp đặt lên Syria.

Cũng trong ngày 26/10, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura thông báo, vòng đàm phán mới về Syria dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28/11 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần phải thúc đẩy các bên tham chiến tại Syria tham gia vào các cuộc đàm phán thực sự. Tuy nhiên, quyết tâm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột lại bị phủ bóng bởi những tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Tới nay, Đặc phái viên Mistura đã tổ chức 7 vòng đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập, tuy nhiên tất cả đều không vượt qua được rào cản chính liên quan tới số phận Tổng thống Al-Assad. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ nhiều lần khẳng định, tương lai của ông Al-Assad đang được tính bằng ngày, song vẫn kiên quyết từ chối can thiệp quân sự./.