Các nhà lãnh đạo Ukraine đang kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây trang bị cho các hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa hơn để duy trì động lực trong cuộc phản công đẩy lùi lực lượng Nga cũng như chống trả các cuộc tấn công tăng cường của Moscow.

Hôm 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, các đồng minh phương Tây cam kết gửi vũ khí “nhanh nhất có thể để chúng tôi đưa chúng tới Ukraine”. Ông Austin cho biết, các nhà lãnh đạo quốc tế họp tại Brussels đang làm việc để gửi một loạt các hệ thống phòng không, xe tăng, xe bọc thép và pháo binh tới Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn còn một số loại vũ khí tiên tiến, cao cấp mà Ukraine mong muốn nhưng Mỹ sẽ không cung cấp do tính nhạy cảm chính trị, bí mật công nghệ hoặc kho dự trữ hạn chế.

Dưới đây là một số loại vũ khí Ukraine nhận được và không nhận được từ Mỹ.

Những vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine

Trong cuộc họp với khoảng 50 nhà lãnh đạo quốc phòng trong tuần này, Bộ trưởng Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã thảo luận về kế hoạch gửi thêm vũ khí phòng không tới Ukraine và tăng cường huấn luyện cho quân đội Ukraine.

“Chúng tôi biết rằng Ukraine vẫn cần nhiều vũ khí tầm xa hơn nữa, các hệ thống phòng không, hệ thống pháo binh và các vũ khí quan trọng khác”, ông Austin nói hôm 12/10, cho biết thêm rằng các đồng minh đã xem xét việc cung cấp một số hệ thống phòng không cho Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp 20 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine. Theo Lầu Năm Góc, 18 hệ thống tên lửa HIMARS bổ sung sẽ được chuyển cho Ukraine trong trung và dài hạn. HIMARS gồm có 1 xe tải 5 tấn bọc thép được trang bị để phóng tên lửa cỡ nòng 227mm.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cho biết sẽ chuyển giao 2 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS cho Ukraine trong những tuần tới. “Chúng tôi đang quan tâm đến việc xúc tiến quá trình vận chuyển NASAMS cho Ukraine sớm nhất có thể”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói. Hệ thống này sẽ cung cấp khả năng phòng thủ tầm trung đến tầm xa trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ chuyển hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên cho Ukraine trong vài ngày tới vì vụ không kích của Nga. IRIS-T có thể bắn hạ các loại phương tiện ở độ cao 20km, tầm xa 40km.

Mỹ đã cung cấp hơn 16,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Các khoản viện trợ bao gồm hàng trăm xe bọc thép, 142 khẩu pháo 155mm với 880.000 quả đạn, hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin, hơn 60 triệu viên đạn cho vũ khí nhỏ.

Ukraine tuyên bố những vũ khí này đã cho phép quân đội của họ tiến hành các cuộc phản công chống lại lực lượng Nga. Tuy nhiên, theo Nga, cuộc phản công của Ukraine gần Kherson trước đó đã kết thúc thảm hại, với hàng chục xe bọc thép bị phá hủy.

Những vũ khí Mỹ không cung cấp cho Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói rõ rằng Ukraine cần những vũ khí tối tân hơn để tiếp tục chiến đấu. Trong tuần này, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng cách sử dụng máy bay không người lái, pháo hạng nặng và tên lửa.  

Tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng quân đội Nga đã thực hiện “các cuộc tấn công lớn bằng vũ khí chính xác tầm xa vào các mục tiêu năng lượng, kiểm soát quân sự và thông tin liên lạc của Ukraine”. Các cuộc không kích xảy ra hai ngày sau khi cầu Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị hư hại nặng vì một vụ nổ. Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine đứng sau vụ việc này.

Tuy nhiên, những lời yêu cầu của Tổng thống Zelensky về một số loại vũ khí vẫn chưa nhận được hồi đáp từ Mỹ.

Một loại vũ khí uy lực Mỹ từ chối gửi cho Ukraine dù Kiev đã yêu cầu nhiều lần đó là hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). ATACMS là tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 305km với đầu đạn chứa khoảng 170kg chất nổ. ATACMS mang đầu đạn nổ lớn hơn tên lửa dẫn đường thông thường khoảng 50%.

Hệ thống này sử dụng các bệ phóng tương tự như các tên lửa HIMARS mà Ukraine đã sử dụng thành công trong cuộc phản công, nhưng có thể tấn công mục tiêu xa hơn gấp 3 lần.

Brad Bowman, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, cho biết, Mỹ lo ngại Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa hơn để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga và càng khiêu khích Tổng thống Putin hơn.

Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl giải thích Washington hiện không cung cấp tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS cho Kiev vì hầu hết mục tiêu của Moscow đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí khác.

“Theo đánh giá của chúng tôi, Ukraine hiện không cần ATACMS để nhắm vào các mục tiêu liên quan đến cuộc xung đột hiện tại. Chúng tôi nhận định tại thời điểm này, chúng tôi nên tập trung vào hệ thống tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt GMLRS chứ không phải ATACMS”, ông Kahl nói.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay tới.

J.D. Williams, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, cho biết, hệ thống Patriot được kết nối với một số mạng lưới chỉ huy và kiểm soát nhạy cảm nhất của Mỹ và có thể được lực lượng Mỹ trên mặt đất vận hành chúng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã loại trừ việc sử dụng các lực lượng chiến đấu của Mỹ bên trong Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ chỉ có một số lượng hạn chế hệ thống Patriot.

Từ tháng 3, Tổng thống Zelensky cũng đã thúc giục Mỹ cung cấp các máy bay chiến đấu như F-16, nhung Washington đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng này để tránh leo thang thêm căng thẳng với Nga.

Cho đến nay, Mỹ cũng từ chối gửi cho Ukraine các máy bay không người lái tầm xa tinh vi hơn, chẳng hạn như MQ-1C Grey Eagle. MQ-1C Grey Eagle có thể mang lại cho Ukraine khả năng tấn công ở khoảng cách xa hơn.

Các chuyên gia phản đối việc chuyển giao nhận định rằng, những công nghệ như hệ thống radar và thiết bị trinh sát điện tử lắp trên loại UAV này có thể sẽ tạo ra nhiều nguy cơ an ninh cho nước Mỹ, trong trường hợp nó rơi vào tay đối phương. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về việc Nga có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến của loại UAV này nếu một chiếc bị bắn hạ./.