Trong vòng khoảng 2 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng bị cô lập với các đối tác lâu năm. Giới chức EU đang ngày càng đau đớn nhận ra rằng an ninh kinh tế và thống nhất chính trị của châu lục này đang gặp rủi ro.
Sự thật khắc nghiệt đối với EU
Việc Nga đưa quân tiến đánh Ukraine (từ tháng 2/2022) tạo ra một thay đổi đột ngột trong hoạt động đối ngoại của châu Âu.
Cuộc xung đột đó đã củng cố quan hệ giữa EU và Mỹ, trong khi mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đổ sụp. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ “quan ngại” với Tổng thống Nga Putin về xung đột quân sự này, Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Nga trong suốt cuộc giao tranh đó với sự liên quan của các lợi ích kinh tế.
Nói ngắn gọn, xung đột Ukraine cho thấy thịnh vượng của châu Âu đã trở nên phụ thuộc như thế nào vào các nhân tố bên ngoài: Mọi thứ từ năng lượng Nga cho tới việc tiếp cận thị trường rộng lớn Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, giới chức cao cấp nói rằng châu Âu cần vạch ra lộ trình mới để bảo đảm tương lai của chính mình.
Josep Borrell - quan chức phụ trách đối ngoại của EU, nói vào hôm 10/10 tại một hội nghị các đại sứ EU: “Tôi cho rằng người châu Âu chúng ta đang đối mặt với một tình huống trong đó chúng ta hứng chịu các hậu quả của một quá trình đã kéo dài trong nhiều năm. Trong quá trình này, chúng ta đã tách rời nguồn thịnh vượng với nguồn an ninh”.
Khi quan hệ giữa EU với Nga và Trung Quốc xấu đi, châu Âu đã quay sang Mỹ trong lúc cần kíp. Tuy nhiên, ông Borrell cảnh báo rằng ngay cả liên minh lịch sử này cũng gặp rủi ro trong thế giới ngày nay.
Quan chức đối ngoại EU phát biểu: “Hỡi nước Mỹ, quý vị hãy chăm sóc cho an ninh chúng tôi. Còn Trung Quốc và Nga, các vị đã mang lại nền tảng thịnh vượng cho chúng tôi. Thế giới này giờ không còn hiện hữu nữa”.
Lãnh đạo EU thừa nhận kinh tế của khối phụ thuộc Nga, Trung Quốc
Đai dịch Covid-19 và xung đột quân sự tại Ukraine đã làm bộc lộ mức độ phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc và Nga để đảm bảo an ninh kinh tế.
Trước khi nổ ra chiến sự Ukraine 2022, Nga là nhà cung cấp các sản phẩm than đá, khí đốt và dầu mỏ hàng đầu cho châu Âu.
Ông Borrell nói tiếp: “Sự thịnh vượng của chúng ta dựa trên năng lượng giá rẻ xuất phát từ Nga. Khí đốt Nga rẻ, vừa túi tiền, an toàn và ổn định, Giờ thì mọi chuyện không còn như vậy nữa”.
Từ khi giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, các công ty năng lượng quốc doanh của Nga đã giới hạn mạnh nguồn cung khí đốt cho EU, còn các nước châu Âu chuẩn bị lệnh cấm một phần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga trong tháng 12 tới. Ít nhất về ngắn hạn, các thay đổi này đã nhanh chóng đẩy cao giá nhiên liệu và gây ra khủng hoảng nguồn cung năng lượng trên khắp châu lục.
Theo ông Borrell, cuộc khủng hoảng hiện nay đã giúp châu Âu tái tập trung vào sản xuất năng lượng nội địa nhưng quá trình chuyển đổi thoát khỏi năng lượng Nga sẽ không dễ dàng, đòi hỏi một “sự tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế của chúng ta”.
Việc Trung Quốc tự phong tỏa cách ly do đại dịch Covid-19 cũng giáng đòn mạnh vào mối quan hệ giữa EU và đối tác kinh tế lớn nhất của mình. Châu Âu là nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới và vào năm 2020, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của EU.
Ông Borrell than phiền về tình trạng đánh mất quyền “tiếp cận của châu Âu đối với thị trường lớn Trung Quốc” trong các năm gần đây. Năm 2020, đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc giảm 11,8% và gần như không phục hồi, trong khi các hạn chế đi lại và nguy cơ phong tỏa thường trực đã khiến việc kinh doanh ở quốc gia Đông Á này khó khăn hơn đối với người nước ngoài.
Tháng 9, Phòng Thương mại châu Âu cảnh báo rằng cách thức Trung Quốc thực hành chính sách kiểm soát Covid-19 đã làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vào Trung Quốc.
Ông Borrell nói: “Tiếp cận Trung Quốc ngày càng khó. Việc điều chỉnh sẽ khó khăn và tạo ra các vấn đề về chính trị”.
Những điều khó lường khác
Quan chức EU Borrell cũng thảo luận về việc các chính đảng cánh hữu đã trỗi dậy và nắm quyền ở châu Âu như thế nào.
Chẳng hạn, chính đảng cực hữu “Anh em của Italy” đã có những bước tiến xa khi ứng viên Giorgia Meloni của được bầu làm thủ tướng tiếp theo của quốc gia này vào tháng 9, với cương lĩnh nhấn mạnh đến giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ông Borrell nhận xét: “Cực hữu đang ngày càng nắm chặt chính trị châu Âu. Do vậy, chúng ta ở trong thế kẹt, cả đối ngoại lẫn đối nội, và các công thức cũ không còn hiệu quả nữa. Chúng ta gặp phải các thách thức an ninh ngày càng gia tăng và sự kết nối nội bộ đang bị đe dọa”.
Thời gian qua, trong lúc khó khăn, châu Âu đã dựa phần nào vào Mỹ. Đồng minh lịch sử này đã ồ ạt vận chuyển khí hóa lỏng tới châu Âu và tiếp tục hỗ trợ vũ khí và tài chính cho Ukraine khi xung đột quân sự leo thang.
Tuy nhiên, ông Borrell cũng tỏ ra thận trọng về tương lai mối quan hệ với Mỹ. Ông bày tỏ quan ngại rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho châu Âu có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 hoặc thậm chí sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.
Ông Borrell chỉ ra rằng EU đã giao quyền về an ninh cho Mỹ và giới EU cần tập trung vào việc giành lại một số quyền nếu muốn tiếp tục tồn tại trong định dạng thế giới ngày nay.
Quan chức EU nhận định: “Chúng ta phải tự hỏi chính mình một số câu hỏi. Và theo tôi, câu trả lời là rõ ràng: Chúng ta cần tự gánh thêm nhiều trách nhiệm. Chúng ta phải đảm nhận một phần lớn hơn trong trách nhiệm bảo vệ an ninh”./.