Nga nã tên lửa vào hơn 40 thành phố, thị trấn của Ukraine: Hôm 13/10, sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết kêu gọi Nga đảo ngược việc sáp nhập 4 vùng của Ukraine, Nga đã nã tên lửa vào hơn 40 thành phố, thị trấn của Ukraine.
Thị trưởng thành phố cảng Mykolaiv của Ukraine, Oleksandr Senkevich, cho biết thành phố này đã bị “oanh tạc dữ dội”.
Cơ quan hành chính của vùng thủ đô Kiev (Ukraine) cho biết, UAV mang thuốc nổ của Nga cũng đã tấn công mục tiêu trong vùng này. Thống đốc vùng Kiev, Oleksiy Kuleba cho biết: Dựa trên thông tin sơ bộ, các vụ không kích này được thực hiện bằng UAV cảm tử của Iran.
Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Zelensky, cho hay, UAV đã tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Valentyn Reznichenko, viết trên Telegram cho biết, tên lửa đã đánh trúng hệ thống đường ống dẫn khí đốt và đường dây điện tại thành phố Nikopol thuộc vùng này.
Đại hội đồng LHQ yêu cầu đảo ngược việc sáp nhập 4 vùng Ukraine: Hôm 12/10 (giờ Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporozhye), yêu cầu Nga đảo ngược hành động này.
Đối với nghị quyết này, có 143 nước thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu ủng hộ, 5 nước bỏ phiếu chống và 35 nước bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết tuyên bố "bảo vệ các nguyên tắc" của Hiến chương Liên Hợp Quốc và lưu ý rằng 4 vùng Ukraine nói trên đang "tạm thời nằm dưới sự chiếm đóng của Nga".
LHQ thông qua nghị quyết về Ukraine: Phiên bỏ phiếu của sự chia rẽ: Thế giới đang ngày càng đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc. Lời khẳng định này của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây đã được khắc họa rõ nét trong phiên bỏ phiếu về tình hình Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 diễn ra hôm qua (12/10).
Nghị quyết được thông qua với 143/193 phiếu thuận. 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và nhiều quốc gia còn lại không bỏ phiếu.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, ông Cảnh Sảng - Phó Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, một trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng nhận xét, phiên họp đã cho thấy thế giới đang phải đối mặt với sự chia rẽ lớn hơn bao giờ hết:
Tướng Mỹ kêu gọi hỗ trợ Ukraine xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện: Mỹ và đồng minh cần hỗ trợ Ukraine xây dựng hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa để giúp Kiev bảo vệ không phận trước các cuộc tấn công của Nga, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết ngày 12/10 sau cuộc gặp giữa các lãnh đạo quân sự và bộ trưởng quốc phòng ở Brussels.
"Những điều cần được tất cả các quốc gia thực hiện tại hội nghị ngày hôm nay là hỗ trợ Ukraine xây dựng và duy trì một hệ thống tích hợp phòng không và phòng thủ tên lửa", ông Milley nhận định.
NATO lên kế hoạch giúp Ukraine loại bỏ các vũ khí từ thời Liên Xô: NATO đang xem xét kế hoạch giúp Ukraine dần loại bỏ các vũ khí từ thời Liên Xô để chuyển sang các hệ thống có thể tương tác với vũ khí của phương Tây.
Theo Politico, NATO sẽ sớm khởi động kế hoạch xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine trong thập kỷ tới, với hy vọng dần loại bỏ các vũ khí từ thời Liên Xô để chuyển sang trang bị phương Tây.
Quan chức NATO: Nga tấn công hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng đáp trả: Một quan chức cấp cao của NATO hôm 12/10 cho biết, một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ thay đổi tiến trình của xung đột và chắc chắn sẽ dẫn tới phản ứng đáp trả từ các đồng minh của Ukraine và có khả năng từ NATO.
Trước thềm cuộc họp kín của NATO ngày 13/10, một quan chức NATO giấu tên cho biết, bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga sẽ gây ra “hậu quả chưa từng có” đối với Moscow.
Nga phản đối Nhật Bản thử nghiệm hệ thống HIMARS gần biên giới: Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với Đại sứ quán Nhật Bản tại Moscow vì các cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS gần biên giới nước này.
Trong tuyên bố đăng trên trang của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Đại sứ quán Nhật Bản đã bị phản đối mạnh mẽ liên quan đến việc thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào ngày 10/10 trong khuôn khổ cuộc tập trận chung với Mỹ tại bãi tập Yausubetsu (Hokkaido), nằm gần ngay với biên giới Nga”.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine: Nga đã thay đổi chiến thuật tấn công: Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Galushchenko ngày 12/10 cho biết, khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã hư hại sau 2 ngày liên tiếp bị Nga tấn công bằng tên lửa.
Trong khi đó, Nga khẳng định những cuộc tấn công vào ngày 10 và 11/10 vừa qua là phản ứng đối với “hành động khủng bố" của Ukraine trên đất Nga.
Tổng thống Pháp: “Xung đột tại Ukraine sẽ kéo dài qua mùa Đông”: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (12/10) nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ chưa thể kết thúc sớm trước mùa Xuân 2023. Ông Macron cho biết, sẽ duy trì hỗ trợ Ukraine cả về vũ khí và tài chính nhưng đồng thời sẵn sàng liên lạc với Nga để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Phát biểu trong chương trình “Sự kiện” trên kênh truyền hình France 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến leo thang căng thẳng tại Ukraine đã làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột khi các cơ sở dân sự trở thành các mục tiêu tấn công.
Tổng thống Pháp nhận định, châu Âu sẽ phải trải qua một mùa Đông khắc nghiệt với xung đột kéo dài tại Ukraine và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến vai trò trung gian để giải quyết xung đột Nga- Ukraine: Theo kế hoạch, ngày 13/10, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ có cuộc gặp tại Astana, Kazakhstan, nhân hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á.
Theo trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov, Điện Kremlin chờ sáng kiến của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết tình hình Ukraine.
Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng và thực hiện khá thành công vai trò trung gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến Ukraine./.