Ký ức không thể quên của người ở lại

Một buổi sáng mùa hè giữa tháng 7, trong căn nhà nằm trên con ngõ nhỏ ở Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm - Hà Nội), chúng tôi gặp chị Hoàng Hồng Thanh, vợ của Đại tá Hoàng Lại Long - nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371), Quân chủng Phòng không - Không quân, người đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách đây 9 năm.

Vóc người nhỏ nhắn, duyên dáng và trẻ hơn so với tuổi 45 của chị, thế nhưng, ánh mắt chị vẫn chất chứa một nỗi buồn khó tả, đặc biệt, khi nói đến ngày định mệnh 9 năm trước, khi nói đến tình yêu và hạnh phúc mà mình từng có với người chồng chị hết mực yêu thương.

Tâm sự về những tháng ngày xa vắng chồng, chị Thanh luôn xúc động mạnh, những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi. Tất cả như một cuốn phim quay chậm ùa về trong ký ức chị…

7h45 phút, ngày 7/7/2014, máy bay trực thăng Mi-171 đã rơi khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Khi máy bay gặp sự cố, Đại tá Hoàng Lại Long đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay Mi-171 vọt lên tránh khu chợ đông người và rồi rơi xuống khu vườn trống.

Khi tới cơ quan, nhận được cuộc điện thoại của một người bạn thông báo máy bay gặp sự cố, chồng chị bị tai nạn cấp 1 và đang cấp cứu trong bệnh viện, đất trời như đổ sụp trước mắt chị Thanh. Chị mong rằng, sẽ có phép màu nhiệm và chồng chị sẽ qua cơn nguy kịch. Thế nhưng, điều đó không xảy ra, chồng chị không qua khỏi. Chị không nhớ mình đã khóc trong bao lâu, sự thật quá nghiệt ngã, quá đau lòng, chị ước, đó chỉ là một giấc mơ. Thế rồi tiếng khóc xé lòng của 2 đứa con thơ đã kéo chị về với thực tại.

Kìm nén cảm xúc, chị Thanh kể tiếp, tối hôm trước chuyến bay, anh Long còn gọi điện nói chuyện với chị rất lâu, anh hỏi thăm việc học hành của 2 con, dặn dò chị luôn giữ gìn sức khỏe. Chị thật không ngờ đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của chồng trước khi anh vĩnh viễn rời xa chị và các con.

Những chuỗi ngày sau đó, nén đau thương, chị Thanh luôn tự trấn an mình không được gục ngã. Chị tự nhủ, phải mạnh mẽ để thay chồng làm chỗ dựa vững chắc cho các con, bởi chúng còn nhỏ quá, khi đó con trai Phi Hùng mới vào lớp 1, con gái đầu lòng Hà Mi mới học lớp 6. Nhớ anh, chị dồn tất cả tình yêu thương cho các con. Chị vừa làm bố, vừa làm mẹ, chị thay anh dạy con trai tập bơi, chơi đá bóng. Chị dạy con gái biết nữ công gia chánh và quán xuyến việc nhà giúp mẹ. Trước mặt các con, chị luôn thể hiện mình thật mạnh mẽ để các con yên tâm và cảm thấy đủ đầy, chỉ mỗi khi đêm về, khi nhìn các con yên giấc, sự cô đơn, nỗi nhớ anh cồn cào, da diết lại bủa vây quanh chị. Chị nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc ngọt ngào đã có với nhau, nhớ những vòng tay âu yếm và những lời nói ngọt ngào anh đã dành cho chị khi còn sống…

9 năm đã qua đi, nhưng với chị Thanh, tất cả như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Mỗi khi nhắc đến chồng, nước mắt chị lại tuôn rơi.

“Chồng hy sinh là một sự đau đớn, mất mát quá lớn đối với tôi. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và lo lắng rằng, không biết làm thế nào để có thể nuôi dạy được 2 con, bởi vì các con quá bé. Tôi trăn trở nhiều lắm. Tôi phải sống cả cuộc sống của anh, thay anh nuôi con và gánh vác mọi việc. Thời điểm đó, trong suy nghĩ của các con tôi thì bố vẫn còn, bố đang đi công tác, cuối tuần bố sẽ về. Tôi luôn tự nhủ lòng mình, cần cố gắng hết sức để nuôi dạy 2 con luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời mẹ, xứng đáng với sự hy sinh của bố”, chị Hoàng Hồng Thanh chia sẻ.

Từ khi chồng hy sinh đến nay, mọi đồ đạc, quần áo và các kỷ vật của anh vẫn được chị Thanh gìn giữ, nâng niu. Trên phòng thờ gia tiên, rất nhiều giấy khen, huân huy chương của anh được chị treo trang trọng. Phía góc nhà, những bộ quân phục, thường phục, giày dép của anh vẫn được treo ở đó, thi thoảng chị lại mang ra giặt để cho vơi đi nỗi nhớ chồng.

Thân nhân của liệt sĩ trong thời bình không hề đơn độc

9 năm trôi qua, giờ đây khi các con đã khôn lớn, là động lực để chị có thể bước tiếp con đường dang dở của anh.

Cậu bé Hoàng Phi Hùng, con trai thứ 2 của anh chị, năm nay bước vào lớp 10, khi nhắc đến người bố đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, khuôn mặt cậu đượm buồn và đôi mắt ngấn lệ. Thời điểm bố mất, cậu đang học lớp 1, còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất bố. Sau này khi lớn hơn, cậu tỏ ra là người rất hiểu chuyện, luôn yêu thương, nghe lời mẹ, chăm chỉ học hành để mẹ yên tâm công tác.

“Đã rất nhiều lần con thắc mắc hỏi mẹ, bố đi đâu sao mãi không về, mẹ không nói gì, mẹ chỉ im lặng nhìn con, biết mẹ đang buồn nên con không hỏi gì nữa. Đến bây giờ con vẫn còn nhớ rõ gương mặt của bố. Bởi trước khi bố mất, con ở đơn vị bố chơi nhân dịp nghỉ hè, những ngày cuối cùng của bố, con là người thân duy nhất ở bên cạnh bố. Hiện tại, con chưa định hướng được sẽ theo nghề của bố hay không nhưng sau này nếu có duyên hoặc có cơ hội thì việc đi theo nghề của bố sẽ là lựa chọn đầu tiên của con. Con chỉ muốn nhắn gửi bố một điều, ở nơi xa ấy bố cứ yên lòng, con sẽ luôn ngoan ngoãn, cố gắng học giỏi để không phụ công sinh thành của bố mẹ và và sự hy sinh cao cả của bố”, em Hoàng Phi Hùng nói.

Nghe những lời chia sẻ của con, nước mắt chị Thanh lại lăn dài. Chị bộc bạch: “Mặc dù chồng đã mãi đi xa nhưng 3 mẹ con tôi chưa bao giờ cô độc, bởi ngay sau khi chồng mất, tôi đã được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không – Không quân quan tâm, tuyển dụng vào công tác tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Bắt đầu công việc mới và quan trọng hơn là tôi đã trở thành đồng đội của chồng, tôi thật sự vui và hạnh phúc”.

“Khi yêu người lính, tôi xác định, anh thường xuyên công tác xa nhà, anh đã để lại niềm tự hào cho vợ, con, gia đình. Bản thân tôi cảm thấy rất ấm lòng và yên tâm công tác bởi sự quan tâm của đơn vị, đồng đội dành cho 3 mẹ con tôi. Nhà nước và Quân đội luôn có những chính sách dành cho các gia thương binh, liệt sĩ nên tôi thấy rất yên tâm về mọi mặt. Các con được ưu tiên, hỗ trợ nhiều trong quá trình đi học như miễn giảm học phí, được cộng điểm khi thi đại học”, chị Thanh chia sẻ.

Thời gian trôi đi, các con đã khôn lớn, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, sự quan tâm của đồng đội, sự nỗ lực, cố gắng của các con đã trở thành điểm tựa, là nguồn động viên lớn lao giúp chị có thêm nghị lực để vượt lên nỗi đau mà bước tiếp. Mỗi lần nhìn lên di ảnh của anh, chị luôn thầm hứa, sẽ cố gắng sống thật tốt và nuôi dạy các con khôn lớn nên người để anh có thể an lòng, mỉm cười nơi chín suối...

9 năm, từ khi tai nạn máy bay tại Hòa Lạc cướp đi sinh mạng của nhiều chiến sĩ, thấu hiểu được sự mất mát lớn lao đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã có sự quan tâm tới từng gia đình, động viên chia sẻ, an ủi thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Thượng tá Đỗ Viết Hưng – Chính ủy Trung đoàn Không quân 916, sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, với các gia đình thương binh liệt sĩ, đặc biệt là thân nhân của các liệt sĩ hy sinh tại Hòa Lạc cách đây 9 năm, ngay từ thời điểm đó, các chế độ chính sách với gia đình liệt sĩ đã được đơn vị thực hiện đảm bảo đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước, của quân đội.

“Chủ trương của Đảng, của Nhà nước, của Quân đội là luôn quan tâm đến hậu phương người lính, thời chiến cũng như thời bình các anh đều là bộ đội cụ Hồ. Chúng tôi sẽ và luôn cố gắng quan tâm, động viên, chia sẻ với thân nhân các gia đình liệt sĩ, mong  các anh yên lòng và thanh thản ở nơi chín suối”, Thượng tá Đỗ Viết Hưng cho hay./.