Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết: Ukraine có thể ở trong tình trạng chiến tranh kể cả khi không áp dụng thiết quân luật.

giao_tranh_ukraine_bawi.jpg
Một ngôi nhà bị phá tan hoang do giao tranh tại miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Một ngày trước đó, thủ lĩnh Đảng Batkivshina đối lập của Ukraine Yulia Timoshenko cũng kêu gọi chính quyền Kiev áp dụng cơ chế thiết quân luật tại tỉnh Donetsk và Lugansk đồng thời khẳng định cần phải thông qua luật về các vùng “bị chiếm đóng” và ngừng hoạt động thương mại với những khu vực vừa nêu.

Lực lượng đối lập ở miền Đông cho biết, từ nhiều ngày qua lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine đã được điều động đến khu vực Volnovakha đồng thời các đơn vị pháo binh chống tăng và nhiều vũ khí hạng nặng khác cũng đang được chuyển hướng tới Donetsk và Mariupol.

Các phe đối lập cáo buộc động thái quân sự của chính quyền Ukraine là hành vi xem thường các thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tại Minsk. Lãnh đạo các lực lượng ở Donetsk và Lugansk còn tuyên bố đã sẵn sàng có hành động đáp trả.

Những ngày qua, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đã leo thang lên mức nguy hiểm, đặc biệt là tại thành phố Avdeevka thuộc kiểm soát của chính phủ.

Quân đội và Lực lượng dân quân của hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đều cáo buộc nhau trong các vụ bắn phá làm hơn 40 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương, trong đó có nhiều dân thường.

Phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã xác nhận thảm họa nhân đạo và vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực ranh giới ở vùng Donbass.

Phó phái đoàn giám sát đặc biệt của OSCE Alexander Hug cho biết: “Tình hình ở Donbass là không thể đoán trước và hiện không ổn định tại thời điểm này. Có những bằng chứng cho thấy các bên xung đột đang vi phạm lệnh ngừng bắn gây nhiều thiệt hại và thương vong.

Nhóm công tác đặc biệt của OSCE sẽ tiếp tục sứ mệnh thị sát  khu vực điểm nóng Donbass để có những đánh giá chính xác hơn. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng giao tranh và ngồi vào bàn đối thoại. Việc phải làm hiện nay chính là  sửa chữa và khôi phục lại những cơ sở hạ tầng quan trọng như điện nước, lò sưởi để phục vụ cho người dân vùng chiến sự”.

Phản ứng trước động thái và tuyên bố mới của Ukraine, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc, bằng cách nào đó, chính quyền Kiev đang sử dụng căng thẳng ở Donbass để đánh lạc hướng chú ý, muốn làm gián đoạn thỏa thuận ngừng bắn Minsk có hiệu lực từ tháng 2/2015.

Ông Lavrov còn cho rằng, chính quyền Ukraine đang cố gắng đưa vấn đề trở nên nghiêm trọng nhằm quy thêm trách nhiệm cho Nga, một mặt để Liên minh châu Âu tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Putin bằng cơ chế trừng phạt, mặt khác ngăn chặn nỗ lực mong muốn hàn gắn quan hệ và hợp tác với Nga của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine leo lên  nấc thang căng thẳng mới, Liên hợp quốc, Pháp, Đức và Mỹ thời gian qua liên tiếp gửi đi những thông điệp  và tín hiệu kêu gọi ngừng bắn để hướng đến tiềm năng cho một giải pháp hòa bình nhằm kết thúc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Nga sử dụng ảnh hưởng của mình giúp chấm dứt bạo lực và khôi phục lập tức lệnh ngừng bắn toàn diện. Lãnh đạo của Nga và Đức cùng nhất trí rằng cần phải có những nỗ lực cũng như sự hợp tác đa phương mới để bảo vệ lệnh ngừng bắn ở Ukraine./.