Sau quãng thời gian nghỉ dài 6 tháng, hôm nay (28/11), vòng hòa đàm Syria lần thứ 11 tại Astana, Kazakhstan, do 3 nước là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, sẽ chính thức bắt đầu, với sự tham gia của cả đại diện Chính phủ Syria và lực lượng đối lập nước này. Nhiều nội dung quan trọng sẽ được đem ra thảo luận, như việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, việc thành lập Ủy ban hiến pháp cũng như tiến trình trao đổi tù binh giữa các bên… Dự kiến, vòng hòa đàm sẽ được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm khi mà tình hình Syria có nhiều diễn biến mới đáng chú ý.

hoadamsyriataiastana_dmkl.jpg
Thỏa thuận ngừng bắn Idlib vốn mong manh lại càng mong manh hơn sau hội nghị Astana lần này khi các bên liên quan vẫn tồn tại nhiều khác biệt. Ảnh: Reuters.
Ngoài các bên chính tham gia hòa đàm, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura và đại diện chính phủ Jordan cũng được mời tới tham dự, với tư cách là các quan sát viên. Theo kế hoạch, các bên hôm nay sẽ tổ chức họp kín, trong khi các cuộc họp ngày29/11 sẽ được mở cửa với giới truyền thông.

Một trong những nội dung chính dự kiến sẽ làm nóng chương trình nghị sự của vòng hòa đàm lần này chính là thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại khu vực Idlib mà Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hồi tháng 9/2018.

Theo các chuyên gia, đến với vòng hòa đàm lần này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu nhiều áp lực, đặc biệt là những cáo buộc từ phía chính phủ Syria, rằng các tay súng phiến quân tại Idlib vẫn chưa rút quân và vũ khí hạng nặng hoàn toàn ra khỏi khu phi quân sự như trong cam kết giữa Ankara và Moscow.

Thêm vào đó, vụ tấn công hóa học vào tối ngày 24/11 vừa qua - từ bên trong khu phi quân sự Idlib ra phía ngoài, là 3 khu vực đông dân cư của tỉnh lân cận Aleppo – có thể sẽ là dấu chấm hết cho thỏa thuận ngừng bắn Idlib. Bởi, sau vụ tấn công này, quân đội chính phủ Syria ngay lập tức bao vây và tấn công điểm khởi nguồn của vụ tấn công hóa học, trong khi không quân Nga cũng đã có các cuộc không kích nhằm vào khu vực này.

Theo chuyên gia Nga Kerim Has, vòng hòa đàm lần này, các bên sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu mọi trách nhiệm khi để phiến quân tại Idlib tấn công hóa học, đồng thời yêu cầu quốc gia này phải chấm dứt các hoạt động hậu thuẫn phiến quân. Các chuyên gia đều cho rằng, thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn, một là sẽ “tự tay” tấn công các phiến quân không chịu tuân thủ hoặc chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn Idlib đổ vỡ sau bao cố gắng để có được.

Dẫu vậy, mọi áp lực sẽ không chỉ đổ dồn lên vai một phía là Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria cũng đứng trước các cáo buộc tiến hành tới hơn 500 vụ tấn công nhỏ lẻ nhằm vào Idlib kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được thông qua – một con số được trích dẫn bởi hãng tin Arab News.

Do đó, thỏa thuận ngừng bắn Idlib vốn đã mong manh lại càng mong manh hơn sau hội nghị Astana lần này. Tuy nhiên, cố vấn nhân đạo Liên Hợp Quốc Jan Egeland vẫn kỳ vọng, một cuộc chiến lớn sẽ không diễn ra trong tương lai gần.

“Cần phải có đột phá trong các cuộc đàm phán với các nhóm vũ trang bên trong Idlib. Tất nhiên, kịch bản xấu nhất vẫn là cuộc chiến khủng khiếp xảy ra tại một khu vực rộng lớn. Nhưng theo cách mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nói với chúng tôi về ý định của họ, tôi không nghĩ một cuộc chiến lớn sẽ sớm xảy ra.”

Ngoài vấn đề Idlib, 2 nội dung quan trọng khác sẽ được các bên thảo luận trong vòng hòa đàm Astana lần này chính là việc thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng như việc trao đổi tù binh giữa các bên. Khác với những bước đi tích cực về việc trao đổi tù binh đã diễn ra giữa các bên ngay trước thềm vòng đàm phán, việc thành lập Ủy ban Hiến pháp trước cuối năm 2018 lại không được đánh giá sẽ khả thi với việc các bên còn nhiều bất đồng./.