Ngày 10/3, Tổng thống đắc cử Afghanistan Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 trong một buổi lễ tại thủ đô Kabul. Cùng thời điểm đó, một sự kiện tương tự do đối thủ của ông Ghani, cựu ngoại trưởng Abdullah Abdullah tổ chức cũng diễn ra.

Hai buổi lễ nhậm chức có thể khởi đầu cho một tương lai hỗn loạn về chính trị và an ninh tại đất nước Trung Nam Á này.

813788097_lixc.jpg
 Hành động cởi áo khoác ngoài của Tổng thống đắc cử Afghanistan Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2
. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Ashraf Ghani đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước nhiều quan chức ngoại giao quốc tế, trong đó có Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad cùng các đại diện của Liên Hợp Quốc. Sự kiện này diễn ra bất chấp bốn quả rocket rơi bên ngoài khuôn viên Dinh Tổng thống.

Trong khi đó, ông Abdullah Abdullah, quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan cũng tổ chức một buổi lễ tương tự cho riêng mình cùng thời điểm. Cựu Ngoại trưởng Afghanistan tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử với phần thắng của đương kim Tổng thống Ashraf Ghani.

Diễn ra chỉ hai tuần sau khi Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban, và mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài về nước, biến cố này đặt tương lai Afghanistan trước ngưỡng khủng hoảng thực sự. Ngay trước khi diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Afghanistan, đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalizad tổ chức 3 cuộc gặp với ông Abdullah để tìm ra giải pháp dung hòa giữa cả hai bên.

Tuy nhiên, nỗ lực hòa giải này đã không thành công. Trước lễ nhậm chức, ông Abdullah được đề nghị một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với 40% thành viên nội các thuộc về đảng của ông. Ngoài ra, ông cũng được trao vai trò đứng đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Tuy nhiên, chính trị gia này đã từ chối và chỉ chấp nhận vị trí Tổng thống.

Ông Abdullah hiện nhận được sự hậu thuẫn của đảng Jamiat, một trong những đảng chính trị lớn nhất tại Afghanistan và có thành trị tại miền Bắc. Trong khi đó, muốn có được một thỏa thuận như vậy, hai bên cần phải ngồi lại đàm phán và sau đó là chỉ định các bộ trưởng của mình. Tuy nhiên, cả ông Ghani và ông Abdullah đều từ chối đối thoại.

Cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan, giữa chính quyền với phe Taliban dự kiến sẽ bắt đầu hôm nay (10/3). Tuy nhiên, với những diễn biến vừa qua, một cuộc khủng hoảng chính trị đang nhen nhóm có thể dập tắt mọi hy vọng về một giải pháp cho hòa bình và hòa giải tại đây. Hai lễ nhậm chức Tổng thống đã báo hiệu sự hỗn loạn của tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Taliban tập hợp sức mạnh và trở lại trong thời gian tới./.