Trong hai ngày 14 - 15/11/2009, tại Singapore, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 17 nhằm khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. ý tuởng này có cơ sở trở thành hiện thực, khi Châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận và có dấu hiệu ra khỏi khủng hoảng sớm hơn các khu vực khác trên thế giới.

singapore.jpg

Singapore, nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 17

Khác với các hội nghị cấp cao trước, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 17 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để lấy lại đà tăng trưởng và tạo cú hích cho những bước phát triển mang tính đột phá. Bởi, như nhiều khu vực khác, Châu Á - Thái Bình Dương cũng chịu những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hoành hành suốt gần 2 năm qua.

Hậu quả này đặc biệt nghiêm trọng không chỉ đối với nền kinh tế khu vực mà cả thế giới. Bởi APEC hiện nay được coi là một Diễn đàn kinh tế khu vực lớn nhất, có qui mô độc đáo bao gồm những nền kinh tế tầm cỡ, trải rộng ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Nơi đây, có cả các nền kinh tế đại diện cho toàn Châu Á, thêm phần phía đông của Châu Mỹ và cả phần phía Nam của không gian Thái Bình Dương, với các nền kinh tế phát triển đa dạng, không chỉ có các nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, mà cả những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Việt Nam. Sau đúng hai thập kỷ hình thành, APEC phát triển khá năng động, hiện chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nền kinh tế thành viên vào hàng siêu cường thế giới như Mỹ, Nga đều coi APEC là một trong những đòn bẩy quan trọng để phát triển  kinh tế.

Với chủ đề: “Duy trì đà tăng trưởng, kết nối khu vực”, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 17 chính là thời điểm để các nền kinh tế thành viên khẳng định tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu. Và đó là mục tiêu hoàn toàn hiện thực, khi kinh tế thế giới bắt đầu ra khỏi đáy suy thoái, các nền kinh tế thành viên đều đã và đang có chính sách ưu tiên hướng về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Và ngay tại Hội nghị Tổng kết năm 2009 của các quan chức cao cấp APEC vừa kết thúc tại Singapore nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao vào hai ngày cuối tuần này,  đại diện các nền kinh tế thành viên đã nhất trí APEC cần tiếp tục phát huy vai trò năng động và tăng cường sự kết nối, hợp tác theo mô hình “Tăng trưởng toàn diện” và “Tăng trưởng bền vững”.

Như vậy, từ diễn đàn Hội nghị Cấp cao lần này, cơ hội mới sẽ được mở ra, nhưng cũng là những thách thức rất gay gắt đối với các nền kinh tế thành viên APEC. Bởi hiện nay, cuộc suy thoái kinh tế vẫn gây nhiều trở ngại cho các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Đồng thời, APEC cũng chưa phát huy tối đa được vị thế của mình so với các diễn đàn và cơ chế khác trong khu vực. Đồng thuận và nỗ lực sẽ là nền tảng của thành công Hội nghị Cấp cao APEC 17 và là  động lực giúp APEC vượt qua những khó khăn trở ngại đó.

Việt Nam chính thức gia nhập APEC tháng 11/1998. Hơn 10 năm qua, kể từ dấu mốc quan trọng đó, APEC là một trong các diễn đàn đã đem lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam cả về kinh tế, chính trị và văn hoá, đồng thời là một kênh hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Dù trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC, nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC. Trong đó dấu ấn rõ nét nhất là Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2006, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC. Đoàn Cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 17, tiếp tục chủ động tích cực đóng góp vào những nội dung quan trọng của Hội nghị, đặc biệt về các vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, liên kết kinh tế và kết nối kinh tế khu vực.

Những hoạt động tích cực và có hiệu quả đó đã và đang làm phong phú thêm kinh nghiệm cho Việt Nam trong hoạt động và hợp tác tại APEC. Cùng với thành tựu có ý nghĩa trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam tự tin và quyết tâm cùng các nền kinh tế thành viên đưa APEC trở thành một diễn đàn kinh tế năng động nhất thế giới, phấn đấu vì một cộng đồng hoà bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người dân./.