Các cơ sở dự trữ đã được lấp đầy
Châu Âu hiện đã ở vị thế thoải mái hơn so với những gì người ta lo ngại trong những tháng gần đây, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.
Tuy nhiên, bất cứ vấn đề nào xảy ra cũng có thể khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng. Một đợt lạnh kéo dài hoặc một đường ống dẫn khí đốt bị hỏng có thể phá vỡ mọi sự chuẩn bị của lục địa già, khiến các nước phải phân chia tỷ lệ sử dụng khẩn cấp, đối mặt với nguy cơ mất điện và suy thoái kinh tế sâu hơn. Việc người tiêu dùng sẵn sàng giảm nhu cầu dụng khí đốt sẽ là chìa khóa để vượt qua mùa đông năm nay. Khí hậu ôn hòa cũng sẽ giúp châu Âu bớt căng thẳng.
Ông Roberto Cingolani, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng của Italy cho biết: “Đây sẽ là một mùa đông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và những điều không chắc chắn. Nếu có thể kiểm soát mức tiêu thụ, chúng ta sẽ vượt qua được mùa đông năm nay, trừ khi xảy ra các ‘thảm họa’ như thời tiết cực kỳ lạnh giá. Chúng ta vẫn phải hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”.
Bằng cách tăng cường mua khí đốt tự nhiên từ Na Uy và khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, châu Âu đã lấp đầy các cơ sở dự trữ tới hơn 90% công suất. Theo S&P Global Commodity Insights, khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống chiếm 6% nguồn cung cấp khí đốt của lục địa này, giảm so với mức gần 30% trước cuộc xung đột ở Ukraine. Châu Âu cũng chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ LNG của Nga.
Các kho LNG nổi đã sẵn sàng ngoài khơi bờ biển châu Âu, điều này cho phép các quốc gia trong đó có Đức bốc dỡ và lưu trữ loại nhiên liệu này nhiều hơn. Các thành viên EU cũng mở rộng các kết nối xuyên biên giới, chẳng hạn như giữa Ba Lan và Slovakia, để khí đốt không bị kẹt ở một quốc gia nào đó khi một quốc gia khác đang cần.
Người dân châu Âu cũng đang cắt giảm việc sử dụng năng lượng - một bước cần thiết để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt vào mùa đông sau.
“Châu Âu đã chuẩn bị rất kỹ càng. Các cơ sở dự trữ đều đã được lập đầy. Việc thay thế hoàn toàn khí đốt Nga trong thời gian ngắn là điều không thể, do đó, điểm mấu chốt hiện nay là giảm nhu cầu sử dụng”, ông Michael Bradshaw, Giáo sư về năng lượng toàn cầu tại Trường Kinh doanh Warwick, cho biết.
Vẫn còn nhiều rủi ro
An ninh năng lượng châu Âu vẫn rất bấp bênh do nhiều yếu tố khác. Nếu thời tiết giá lạnh, nhu cầu sẽ tăng cao trở lại, các kho dự trữ có thể cạn kiệt và giá năng lượng cũng sẽ tăng vọt.
Nhiệt độ thấp trong mùa đông cũng có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh giữa Bắc Mỹ và Châu Âu để giành nguồn cung LNG. Trong khi đó, các điều kiện thời tiết khác vẫn sẽ làm chậm các tuabin gió, mùa đông đặc biệt nhiều mây cũng làm giảm việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời.
Thời tiết mùa đông năm nay sẽ được dự báo chính xác vào đầu tháng 11 tới. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus do EU tài trợ, các dấu hiệu ban đầu cho thấy thời tiết từ nay tới cuối năm sẽ vẫn lạnh giá nhưng sẽ ôn hòa hơn vào đầu năm 2023.
Một rủi ro khác là dòng khí đốt có thể bị giảm do trục trặc kỹ thuật hoặc các cuộc tấn công có động cơ chính trị. Vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 dưới Biển Baltic và việc phát hiện UAV gần các cơ sở khí đốt của Na Uy đã cho thấy cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu rất dễ trở thành mục tiêu.
Duy trì tiêu thụ khí đốt ở mức thấp là một phần quan trọng trong kế hoạch của châu Âu cho mùa đông. EU đang nhắm tới mục tiêu giảm 15% nhu cầu khí đốt. Tháng 9, mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm.
Dù vậy, có một dấu hiệu đáng lo ngại: Trong đợt lạnh bất thường ở Đức hồi tháng 9, nhu cầu đã tăng vọt.
Ông Gergely Molnar, một nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá: “Chúng ta đã không vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên”.
Một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc. Pháp và Đức đã hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng trong các cửa hàng và tòa nhà công cộng vào ban đêm.
Tại Italy, Pháp và Tây Ban Nha, nhiệt độ của hầu hết các tòa nhà dân cư và văn phòng hiện được giới hạn ở mức 19 độ C. Ở Italy, hệ thống sưởi trung tâm trong các tòa nhà công cộng và tư nhân sẽ được bật muộn hơn một tuần so với những năm trước, và sẽ vẫn bật ít hơn một giờ mỗi ngày.
Mùa đông năm nay chỉ là sự khởi đầu
Việc thay thế khí đốt Nga khiến châu Âu phải trả giá rất đắt. Khí đốt tự nhiên giao dịch ở mức khoảng 140 euro/megawatt giờ (136 USD/megawatt giờ), giảm hơn một nửa kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 8 nhưng vẫn gấp hơn ba lần so với mức giá của một năm trước.
Các nước đã có sẵn kế hoạch trong trường hợp nguồn cung khí đốt cạn kiệt dẫn tới tình trạng thiếu điện, buộc phải chia tỷ lệ sử dụng để bảo vệ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại Đức, chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, giao trách nhiệm phân phối khí đốt cho cơ quan quản lý năng lượng quốc gia. EU có thể buộc các nước thành viên cắt giảm tiêu thụ khí đốt nếu tình hình xấu đi.
Tình trạng của châu Âu trong mùa đông năm nay như thế nào sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của đợt khủng hoảng khí đốt có thể xảy ra trong thời gian 12 tháng tới. Nếu mức dự trữ giảm xuống, các nhà phân tích cho rằng việc dự trữ khí đốt của châu Âu vào năm 2023 mà không có hoặc có ít khí đốt Nga sẽ vô cùng khó khăn.
“Chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo, khi đó sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều so với hiện nay”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận.