Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 4/2 kêu gọi NATO khẩn trương cung cấp vũ khí cho nước này. Theo ông, những cuộc tấn công khủng bố ở Volnovakha và Donetsk cũng như vụ pháo kích Mariupol dẫn đến “việc nhận được vũ khí hiện đại từ NATO là hết sức cần thiết”.

Xung đột leo thang mất kiểm soát

tan_hoang_fqir.jpgMột khu nhà ở Donetsk tan hoang vì xung đột (ảnh: Reuters)
Những cuộc giao tranh gần đây ở miền Đông Ukraine cho thấy cuộc xung đột đã leo lên nấc thang mới. Ngày 5/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định giao tranh leo thang giữa quân đội Ukraine và phe đối lập có thể dẫn tới “sự mất kiểm soát hoàn toàn” ở miền Đông Ukraine.

Đáng chú ý ngày 4/2, một lãnh đạo vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng cho biết, tiêm kích Su-25 của lực lượng này đã lần đầu tiên tấn công quân chính phủ từ trên không.

“Su-25 của chúng tôi trên bầu trời khu vực tuyến cao tốc Artemivsk-Debaltseve và tấn công một đoàn xe tải và bọc thép của quân đội Ukraine”, tin từ trụ sở CH Nhân dân Lugansk tự xưng cho biết.

Trước đó, một lãnh đạo quốc phòng của Cộng hòa Donetsk tự xưng cũng tuyên bố, lực lượng ly khai đã bắn hạ một chiến đấu cơ của lực lượng vũ trang Ukraine. Chính quyền Kiev chưa có các phản ứng với các tuyên bố của lực lượng ly khai miền Đông.

Ngày 3/2 được xem là đẫm máu nhất trong 1 tuần chiến sự trở lại đây. Chỉ trong 24 giờ, thêm 16 dân thường Ukraine thiệt mạng vì bạo lực ở miền Đông. Liên Hợp Quốc cảnh báo làn sóng bạo lực mới có thể trở thành “một thảm họa”. Quân đội Ukraine cũng thông báo 5 binh sỹ thiệt mạng trong giao tranh với lực lượng đối lập gần Debaltseve.

Tại cuộc họp báo chung ở Warszaw, Ba Lan chiều 5/2, các nước đồng minh phương Tây của Ukraine đã báo động trước bước tiến của phe đối lập ở miền Đông. Thế trận có phần nghiêng về phe đối lập đã khiến các nước phương Tây tính đến việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine và Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp cùng đến thăm Ukraine, Nga mang theo đề xuất giải quyết cuộc xung đột.

Sáng kiến hòa bình chưa đủ sức nặng bằng cam kết viện trợ vũ khí

Các nhà lãnh đạo Ukraine dường như không mấy mặn mà trong việc tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng miền Đông bằng những lời kêu gọi viện trợ quân sự.

Binh lính Ukraina trên chiến trường (ảnh: AP)
BBC dẫn lời Thủ tướng Ukraine trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức rằng Kiev không xem xét bất cứ kế hoạch hòa bình nào ảnh hưởng tới sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng quan điểm này, Tổng thống Ukraine Poroshenko, một mặt ủng hộ sáng kiến hòa bình mới; mặt khác lại một mực đòi hỏi sáng kiến này không nên cho lực lượng đối lập miền Đông nhiều quyền lợi.

Ông Poroshenko đòi phe đối lập tuân thủ Kế hoạch hòa bình Minsk: “đó là ngừng bắn ngay lập tức, thả tất cả tù binh,đóng cửa biên giới hoặc khôi phục đường biên giới do quốc tế công nhận. Rút tất các binh lính nước ngoài khỏi Ukraine, khởi động cải cách chính trị thông qua bầu cử cấp địa phương ở Donetsk và Lugansk theo luật pháp Ukraine”.

Với NATO, ông Poroshenko nói rằng: “Liên minh cần đảm bảo cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, bao gồm thông qua việc cung cấp vũ khí hiện đại để bảo vệ và đối phó với lực lượng nổi dậy và những kẻ xâm lược”. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng ông muốn hòa bình, nhưng điều này đòi hỏi phải có một quân đội mạnh mẽ với vũ khí hiện đại.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry hôm 5/2, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk “khá hài lòng” trước thông tin khả năng “chính phủ Mỹ sẽ sớm cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí” . Ước tính khoản viện trợ này tổng trị giá 3 tỷ USD, bao gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar... 

Sáng kiến Pháp, Đức cho xung đột Ukraine

Ngày 6/2, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức đến thủ đô Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Putin về đề xuất kế hoạch hòa bình mới với hy vọng được các bên chấp thuận để có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Poroshenko (giữa) trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp (ảnh: Reuters)
Theo Tổng thống Pháp Hollande, sáng kiến do ông và bà Merkel soạn thảo dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và hy vọng được các bên chấp nhận. Cũng ngày hôm qua, Ngọai trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Kiev với tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Đức và Pháp.

Giới chức Nga cho biết, hiện chưa nắm rõ chi tiết về sáng kiến của Pháp-Đức nhưng hy vọng sáng kiến này mang tính xây dựng.

Giới quan sát cho rằng, đề xuất của Pháp-Đức có tính chất “đối trọng” với kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Nga Putin đưa ra tháng 1/2015. Nếu đã là đối trọng thì xem ra khả năng sáng kiến mới được các bên chấp nhận là rất khó.

Bình luận về sáng kiến của Pháp-Đức, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, vào thời điểm giao tranh ác liệt như lúc này, chỉ cần sáng kiến đem lại tia hy vọng, giảm bớt đổ máu ở quốc gia Đông Âu, chứ chưa thể kỳ vọng nó là bước ngoặt giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày một leo thang này./.