Ngày 26/7, các tín đồ Hồi giáo tiếp tục từ chối vào khu vực này. Đã có nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ bạo lực sẽ bùng phát trở lại vào thời điểm diễn ra lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu.

an_ninh_israel_do_bo_cong_kiem_soat_an_ninh_acha.jpg
Israel tháo gỡ các cổng an ninh kiểm soát lối vào khu đền thờ Hồi giáo Al Aqsa nhưng hành động này chưa tháo được ngòi nổ căng thẳng với Palestine. (Ảnh: EPA)

Trong một động thái được xem như đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại khu vực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối 26/7 thông báo ý định trục xuất kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar ra khỏi nước này, với cáo buộc kích động căng thẳng liên quan tới những khu vực linh thiêng.

Tuyên bố đưa ra chưa đầy 1 ngày sau quyết định dỡ bỏ một số thiết bị an ninh gây tranh cãi tại khu vực cổng ra vào đền thờ Hồi giáo Al Aqsa do sức ép ngày càng tăng từ nhiều phía, cả trong nước và quốc tế, mà đặc biệt là đồng minh truyền thống Mỹ.

Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ một làn sóng bạo lực mới có thể tái bùng phát vào ngày mai (28/7), thời điểm diễn ra buổi lễ cầu nguyện lớn của người Hồi giáo. Tới nay đã có 5 người Palestine và 3 người Israel thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kéo dài suốt 10 ngày qua liên quan tới các biện pháp an ninh của Israel.

Cần phải nhắc lại rằng, những xung đột liên quan tới khu đền thờ Al Aqsa không phải mới xảy ra lần đầu, mà lâu nay vẫn là tâm điểm của các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine.

Là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở Thành cổ Jerusalem, song đền thờ Al Aqsa cũng là thánh địa tôn kính nhất của người Do thái với cái tên Núi Đền, dù không có liên quan theo quyết định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc.

Đối với người Arab và người Palestine, ngôi đền Al Aqsa nói riêng và Thành cổ Jerusalem nói chung có ý nghĩa biểu tượng cả về tôn giáo lẫn chính trị, nhất là kể từ khi Đông Jerusalem, bao gồm khu Thành cổ bị Israel chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh năm 1967.

Hơn nữa, người Palestine còn coi vùng đất này là một phần lãnh thổ, là thủ đô vĩnh viễn của một nhà nước Palestine trong tương lai. Chính vì thế, mọi hành động xâm phạm tới khu đền thờ này đều có thể trở thành “lời tuyên chiến”, bởi nó động chạm đến vấn đề chủ quyền, niềm tin tôn giáo.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Israel đã đồng ý gỡ bỏ cổng từ an ninh, song điều này lại chỉ giúp tình hình lắng dịu trong vài giờ. Bởi sự nhượng bộ của Israel hoàn toàn mang tính hình thức và sự kiểm soát của soát của nước này đối với khu vực chỉ là chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

Quốc hội nước này ngày 26/7 cũng bỏ phiếu lần đầu một dự luật nhằm phức tạp hóa những yêu cầu chủ quyền của Palestine đối với một số khu vực ở Jerusalem trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình trong tương lai, trong đó có khu vực Thành cổ.

Chính phủ Palestine hôm qua yêu cầu Israel phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế, đồng thời cáo buộc nước này đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát tại khu vực dưới vỏ bọc an ninh.

Ông Nasser Al-Qudwa, người phát ngôn Phong trào giải phóng dân tộc Palestine Fatah cho biết: “Lãnh đạo Palestine đã đưa ra quyết định rõ ràng rằng, Israel phải chấm dứt những biện pháp an ninh mà nước này triển khai từ hôm 14/07 vừa qua. Việc gỡ bỏ các máy dò kim loại là không đủ, họ phải gỡ bỏ tất cả các biện pháp”.

Tranh cãi cũng gia tăng trong chính giới Israel, với việc một số người chỉ trích rằng chính phủ đã hành động mà không xem xét đầy đủ hậu quả của việc áp dụng các biện pháp an ninh mới tại một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái lẫn người Hồi giáo và cũng là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Tại cuộc điện đàm cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Quốc vương Jordan Abdullah II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự tôn trọng quy chế lịch sử và pháp lý của đền thờ Al Aqsa.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dù hoan nghênh quyết định của Israel rút lại các máy dò kim loại, song cho rằng điều này là không đủ.

Ông Ziad al-Hammouri, một chuyên gia phân tích Palestine cho biết: “Người Palestine đang nỗ lực loại bỏ những hạn chế, những máy quay giám sát và nhiều thứ khác nữa. Song thông điệp chính mà họ muốn gửi đi đó là Israel phải chấm dứt sự chiếm đóng”.

Có thể thấy Jerusalem đang trải qua một trong những giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm, có nguy cơ làm trầm trọng hơn nữa những mâu thuẫn sắc tộc và xung đột tôn giáo dai dẳng giữa người Do Thái và người Arab, cũng như những bất ổn hiện nay tại khu vực. Mọi hành động thiếu thiện chí của các bên có thể hủy hoại mọi tương lai đàm phán, khiến con tàu hòa bình Trung Đông sẽ mãi không thể cập bến để mang lại một nền hòa bình bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine./.