Sự gia tăng hiện diện của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ở châu Phi xuất hiện trong bối cảnh kiến trúc an ninh toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi: Mỹ đang sử dụng các đồng minh chiến lược và can thiệp bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài chỉ khi nào thực sự cần thiết.
Nhu cầu về dịch vụ an ninh do Trung Quốc cung cấp tại châu Phi gia tăng đáng kể từ khi Trung Quốc khởi động sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) vào năm 2013. Đây là bản kế hoạch định hướng cho sự tương tác của Trung Quốc với Lục địa Đen.
Tuy nhiên, các công ty an ninh tư nhân cho tới nay lại thu hút ít sự chú ý hơn so với sự trỗi dậy của các công ty quân sự tư nhân và cung cấp dịch vụ lính đánh thuê như là Tập đoàn Wagner.
Các công ty an ninh Trung Quốc tăng trưởng vào lúc Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở châu Phi. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào các dự án khai thác mỏ trên khắp châu lục này. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan, tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra tại đó khiến dịch vụ an ninh của chính quyền bị thiếu vắng.
Trung Quốc dựa vào các nước này về mặt tài nguyên nên họ rất lo lắng trước thực trạng an ninh tại châu Phi. Điều này thôi thúc Trung Quốc đạt các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước châu Phi về khu vực an ninh tư nhân. Họ cần nhất trí về các bộ quy tắc ứng xử về giám sát, điều tiết và hợp tác, ngăn ngừa tình trạng các hãng an ninh tư nhân phát triển lộn xộn.
Việc thiếu các quy định này có thể dẫn tới hậu quả như sau: Các công ty an ninh tư nhân lạm quyền hoặc hoạt động không theo đúng tôn chỉ rõ ràng, lính đánh thuê hành động vô trách nhiệm, và các lực lượng chiến binh nước ngoài can thiệp. Từ đó, dân chúng châu Phi và cả sáng kiến Vành đai và Con đường đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ba đặc điểm đáng lưu ý
Ngành an ninh tư nhân châu Phi có 3 đặc điểm riêng như sau.
Thứ nhất, châu lục này vẫn có ấn tượng xấu về các hành động của lính đánh thuê trong các cuộc xung đột thời kỳ hậu thực dân.
Thứ hai, trước khi sáng kiến Vành đai và Con đường được phát động và trước lúc Bắc Kinh tập trung vào các công ty an ninh tư nhân, một số công ty Trung Quốc làm ăn ở châu Phi đã tự tổ chức lực lượng dân quân vũ trang riêng nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trước bạo lực chính trị và bạo lực tội phạm. Các lợi ích ở đây bao gồm khai thác tài nguyên thiên nhiên cho tới các doanh nghiệp nhỏ.
Thứ ba, châu Phi đang chứng kiến sự trở lại của các nhóm công ty quân sự tư nhân quốc tế có tổ chức tốt. Các công ty này (bao gồm cả của Nga) ủng hộ các chính quyền địa phương và lợi ích quốc tế.
Do các yếu tố này, sự mở rộng của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc và tác động của họ lên viễn cảnh an ninh châu lục ít bị giám sát và phân tích.
Các công ty an ninh Trung Quốc tiếp tục ra đời hoặc mở rộng hoạt động ở châu Phi để ứng phó với bạo lực do tội phạm và các nhóm phiến quân gây ra chống lại các cá nhân Trung Quốc và hệ thống cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở nước ngoài. Vài trò của các hãng an ninh này đang mở rộng từ việc bảo vệ các cơ sở cố định sang cung cấp dịch vụ theo dõi công nghệ cao.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhận ra rằng nếu chỉ dựa vào việc phát triển kinh tế cho châu Phi thì không đủ để bảo vệ công dân và dự án của họ. Bạo lực bùng phát, khủng bố mở rộng từ Sahel tới Somalia đã đặt công nhân Trung Quốc và đầu tư của họ vào vòng nguy hiểm, vào tầm ngắn của tội phạm và chiến binh nổi loạn.
Phản ứng điều tiết của Trung Quốc và các thách thức của họ
Năm 2018, chính phủ Trung Quốc vạch ra một bộ các quy định an ninh dành cho các công ty hoạt động ở nước ngoài, được nêu chi tiết trong “Bộ hướng dẫn quản lý an ninh dành cho các Công ty, định chế và nhân sự người Trung Quốc ở nước ngoài”.
Văn bản này vạch ra các đòi hỏi về công tác đào tạo, đánh giá an ninh và quy trình giảm nhẹ rủi ro. Chẳng hạn, các công ty cần cung cấp cho chính phủ Trung Quốc các bản đánh giá rủi ro thì mời nhận được đèn xanh để đầu tư ra nước ngoài. Văn bản cũng nêu các quy trình về chia sẻ dữ liệu và báo cáo về các diễn biến an ninh địa phương.
Các hướng dẫn này đã được tiếp nhận đầy đủ tại hàng chục công ty an ninh tư nhân đang hoạt động hiệu quả ở nước ngoài. Nhưng hiện nay người ta vẫn chưa rõ khoảng 10.000 công ty Trung Quốc với kiến thức hạn chế về các đòi hỏi an ninh quốc tế sẽ hoạt động ra sao nếu họ muốn làm ăn ở châu Phi.
Một việc quan trọng là xem xét cách thức tương tác của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc với lực lượng an ninh của chính quyền nước sở tại, cũng như sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốcở châu Phi.
Việc tích hợp đúng đắn các dịch vụ an ninh tư nhân nước ngoài sẽ đem lại lợi ích cho chính nhà nước sở tại, đặc biệt là khi các đe dọa an ninh gia tăng. Tuy nhiên, phương Tây nhận thấy có sự đan xen giữa yếu tố tư nhân và nhà nước trong các hoạt động của Trung Quốc…
Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc vẫn đang phát triển. Điều này làm tăng khả năng các hãng tư nhân dịch chuyển ra nước ngoài mà chưa có sự tập huấn cần thiết, năng lực làm việc hay sự hiểu biết về các mối đe dọa ở nơi họ triển khai./.