Đây là nhận định của ông Veeramalla Anjaiah – Chuyên gia nghiên cứu Viện nghiên cứu  các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia trong cuộc trả lời phỏng vấn với Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia nhân dịp tròn 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết.

PV: Xin ông đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 trong 40 năm qua?

Ông Veeramalla Anjaiah: Năm nay chúng ta kỷ niệm tròn 40 năm ngày Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ra đời. Văn kiện này được ký vào ngày 10/12/1982 và có hiệu lực vào 16/11/1994. Đến nay đã có 167 nước và Liên minh châu Âu phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Có thể nói UNCLOS là bản hiến pháp của đại dương, đặt ra một chế độ luật lệ và trật tự toàn diện trên biển và  đại dương thế giới, thiết lập các quy tắc quản lý sử dụng đại dương và tài nguyên của chúng.

Trong suốt 40 năm tồn tại, UNCLOS đã chứng minh là một văn kiện quan trọng để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng hải quốc tế, bao gồm tranh chấp hàng hải cũng như phân phối các nguồn tài nguyên trên biển và đại dương.

PV: Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) được coi là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải, cũng như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Theo ông UNCLOS 1982 đã được áp dụng như thế nào trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hàng hải trên thế giới nói chung và tranh chấp ở Biển Đông nói riêng?

Veeramalla Anjaiah: Nói chung UNCLOS được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề hàng hải giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên đối với vấn đề Biển Đông, nơi có những tuyên bố vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề. Đặc biệt liên quan đến yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc gây ra nhiều vấn đề tại Biển Đông. Trung Quốc đã ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Cái gọi là Bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn tinh thần của UNCLOS 1982. Có thể nói, Trung Quốc đang áp dụng chính sách kép, viện dẫn UNCLOS trong các tranh chấp trên biển khác, nhưng lại vi phạm UNCLOS ở Biển Đông.

PV: 2022 là năm kỷ niệm tròn 20 năm ký DOC. Ông đánh giá thế nào về vai trò và ý nghĩa của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong việc duy trì một môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông?

Veeramalla Anjaiah: Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC được ký năm 2002 tại Phnompenh giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc để giải quyết vấn đề Biển Đông ở cấp khu vực. Điều khoản 4 của Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC nêu rõ, các bên liên quan cần phải giải quyết các bất đồng lãnh thổ và quyền tài phán của họ bằng các biện pháp hòa bình ...thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp. 

Văn bản của DOC thể hiện rõ hai mục đích: Thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác hàng hải thiết thực. Tuy nhiên sau 20 năm ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC vẫn có một số hạn chế bởi không có sự ràng buộc pháp lý giữa các nước, thiếu cơ chế thực thi chặt chẽ, chưa thực hiện nhiệm vụ xây dựng lòng tin lớn hơn giữa các quốc gia và ngăn chặn xung đột leo thang mà nó chỉ đóng vai trò áp đặt ràng buộc đạo đức hay dựa trên thiện chí của các nước tham gia.

Do không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC vẫn chưa  phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển nhiều lần bị vi phạm bởi chính các bên ký kết. Đó là lý do tại sao cần có một công cụ có tính ràng buộc pháp lý, mang hiệu quả thực chất là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên UNCLOS năm 1982.

Các nước ASEAN phải đoàn kết trong việc, thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán để tiến tới sớm ký kết một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC ràng buộc về mặt pháp lý. Theo tôi, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC có thể sẽ chưa giải quyết được tất cả các vấn đề nhưng nó sẽ là một cơ chế hiệu quả để xử lý các bất đồng, kiềm chế các hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông.

PV:Xin cảm ơn ông./.