Đau đầu đối phó với tên lửa Iran
Với các tên lửa hành trình và UAV cảm tử tầm xa, Nga đang tấn công dồn dập vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Truyền thông phương Tây đưa tin, Nga sắp tiếp nhận hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran như Fateh-110 và Zolfagh. Nếu Moscow thực sự tiếp nhận số tên lửa này, giới quan sát cho rằng điều đó sẽ gây ra những vấn đề đáng kể cho quân đội Ukraine bởi Kiev sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là gần như không thể tự vệ trước các vũ khí này. Theo đó, Moscow có thể tấn công gần như bất kỳ đâu ở Ukraine, đặt các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này vào rủi ro nghiêm trọng.
Giữa bối cảnh đó, Mỹ cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ NASAMS để giúp Kiev cải thiện khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng trước các cuộc tấn công của Nga. Hệ thống IRIS-T SLM mà Đức cung cấp cho Ukraine cũng có khả năng tương tự. Cả hai hệ thống này đều phù hợp để thiết lập phòng phòng không cho một khu vực trước các mối đe dọa trên. Đặc biệt, NASAMS với khả năng phóng các tên lửa AIM-120 AMRAAM, có thể đối phó hiệu quả với các vũ khí này.
Tuy nhiên, việc đối phó với các tên lửa hành trình bay thấp và UAV là nhiệm vụ vô cùng thách thức, thậm chí cả với các hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. Do vậy, ngay cả với những hệ thống tiên tiến như trên, Ukraine vẫn để lọt số lượng đáng kể các tên lửa và UAV. Một điểm quan trọng nữa là không có hệ thống phòng không nào của phương Tây có thể cung cấp khả năng đánh chặn mạnh mẽ trước các tên lửa đạn đạo Iran.
Ngay cả hệ thống phòng không S-300 của Ukraine, được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, cũng chỉ có thể hoạt động trong một khu vực tương đối hạn chế. Hiện chưa rõ liệu hệ thống này có thể đánh chặn hiệu quả các tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) hay không.
Giới quan sát cho rằng, nếu phương Tây cung cấp bổ sung các hệ thống phòng không cho Ukraine thì điều đó chỉ có thể giúp Kiev giải phóng một số lãnh thổ hoặc bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao, chứ không thể cung cấp khả năng phòng thủ hiệu quả cho nước này.
Hiện nay, việc Nga sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M đã giảm đáng kể vì một số lý do. Theo đó, Moscow cần duy trì đủ số vũ khí lưỡng dụng - vừa là vũ khí theo quy ước vừa là vũ khí có thể mang các đầu đạn hạt nhân, để phục vụ các mục tiêu chiến lược.
Iskander-M cùng với các tên lửa hành trình của Nga cũng như các vũ khí phức tạp và đắt đỏ khác rất khó thay thế, cũng như mất nhiều thời gian để sản xuất. Đó là chưa kể tới việc Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt và cấm vận về công nghệ của phương Tây.
Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran được cho là có độ chính xác ấn tượng, tốc độ khá nhanh và khó có thể đánh chặn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với The Drive ngày 28/10, khi được hỏi về mối lo ngại mà các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran như Fateh-110 và Zolfaghar gây ra nếu Nga sở hữu chúng, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine - Thiếu tướng Kyrylo Budanov cho rằng: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy chúng được sử dụng ở đây vào tháng tới. Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng bởi các tên lửa do Iran sản xuất có độ chính xác cao, tốc độ cao và những đặc điểm đó đã được chứng minh trên chiến trường".
Với những lý do trên, các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran có thể đặt các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trước những rủi ro nghiêm trọng và rủi ro đó có thể xảy ra vào thời điểm được cho là tồi tệ nhất với Kiev lúc này, đó là khi mùa đông tới gần.
Mỹ có sẵn sàng cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine?
Để có cơ hội đối phó với các tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất, nhà quan sát Tyler Rogoway nhận định, Ukraine sẽ cần hệ thống phòng không MIM-104 Patriot. Nhưng ngay cả khi chính phủ Mỹ bắt đầu cân nhắc về việc cung cấp Patriot cho Ukraine thì Kiev sẽ phải mất một vài tháng để học cách sử dụng chúng.
Patriot là một hệ thống phức tạp đòi hỏi kiến thức kỹ thuật chuyên sâu không chỉ trong quá trình vận hành mà còn trong quá trình bảo trì. Dù vậy, việc cung cấp Patriot cho Ukraine được cho là khó có khả năng xảy ra vì điều đó có thể bị coi là sự can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Mỹ và NATO đang cố gắng làm mọi thứ để không vượt lằn ranh trên và các nước này không có dấu hiệu gì sẽ thay đổi lập trường đó.
Ngoài ra, việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine cũng cho thấy những rủi ro kỹ thuật lớn mà Mỹ có lẽ không sẵn sàng chấp nhận ở thời điểm này. Mỹ không có nhiều hệ thống Patriot và với Washington, hệ thống này là một vũ khí giá trị, đặc biệt trước nguy cơ cần thực hiện các chiến dịch bất ngờ. Trước mức độ đe dọa ở châu Âu với NATO và với Mỹ, việc cung cấp hệ thống trên cho Ukraine có thể gây ra rủi ro ở các nơi khác.
Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra lúc này là Iran có thể cung cấp bao nhiêu tên lửa đạn đạo cho Nga và khả năng sản xuất vũ khí này của Tehram. Giới quan sát đưa ra nhiều ước tính khác nhau nhưng ít nhất hàng trăm tên lửa được cho là một phần của gói vũ khí ban đầu Tehran cung cấp cho Moscow. Theo các nhà phân tích, Iran cần tài chính và họ đang "ngồi" trên một kho vũ khí khổng lồ, cũng như có thể tăng đáng kể khả năng sản xuất với sự hỗ trợ từ Nga. Việc sản xuất có giấy phép các vũ khí trên ở Nga cũng có thể là một kịch bản.
Ngoài đe dọa mạng lưới điện, các tên lửa đạn đạo cũng gây ra mối đe dọa lớn cho các mục tiêu khác của Ukraine, đặc biệt là các mục tiêu ở phía Tây nước này - nơi tập trung các tuyến cung cấp hậu cần quan trọng.
Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về khả năng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 nếu tên lửa đạn đạo tầm ngắn được sử dụng để phá hủy mạng lưới điện của Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã khẳng định rõ, ít nhất ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa tính tới động thái này.
Mặc dù Ukraine cho biết nước này chỉ sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ hợp pháp của mình nhưng việc cung cấp ATACMS có thể dẫn đến căng thẳng leo thang nghiêm trọng giữa Nga và NATO, đặc biệt khi vũ khí này nhắm vào các mục tiêu ở Nga. Trong khi các tên lửa dẫn đường M31 sử dụng cho HIMARS và Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 có tác động lớn trên chiến trường thì ATACMS thậm chí còn có khả năng mạnh mẽ hơn với tầm bắn gấp 4,5 lần và có thể mang đầu đạn lớn gấp 2,5 lần. Với vũ khí này, bất kỳ mục tiêu nào ở Crimea đều có thể bị đe dọa.
Hiện nay, giới quan sát cho rằng nếu các đợt vận chuyển SRBM của Iran cho Nga thực sự diễn ra trong tương lai gần, những vũ khí này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong xung đột và khiến tất cả các bên phải thay đổi tính toán của mình./.