Sau hơn 2 tháng kể từ khi các ca bệnh đầu tiên được phát hiện, tiếng còi báo động Covid-19 vang lên ngày càng lớn, Mỹ và Liên minh châu Âu đã “choàng tỉnh giấc”, châu Á vội vã hành động. Số ca nhiễm và số ca tử vong ngày càng gia tăng chóng mặt. Hệ thống y tế ở Italy – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Âu bị quá tải, buộc y bác sỹ phải đưa ra lựa chọn đau lòng đó là tập trung điều trị cho những người có cơ hội sống sót cao.
Mô hình xét nghiệm nhanh kiểu lái xe tạt qua giúp Hàn Quốc kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ảnh: Yonhap. |
“Tôi muốn tất cả người Mỹ hiểu rằng chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù vô hình”, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận trong thông điệp đăng tải trên Twitter hôm 18/3. “Đây là chiến tranh”, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố trước người dân hôm 16/3. Nhưng làm cách nào để giành thắng lợi trong cuộc chiến này vẫn là điều đang được thảo luận.
Các biện pháp tranh đấu vội vã được ban hành khắp các quốc gia, thậm chí trong mỗi khu vực trong cùng 1 quốc gia. Chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân không tụ tập hơn 10 người, nhưng các bang như California, New York đã ban hành sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà. Italy, Pháp và Tây Ban Nha đã phong tỏa hầu như toàn bộ đất nước, thậm chí điều động quân đội hoặc cảnh sát tuần tra trên đường phố. Đức đóng cửa các trường học nhưng Thụy Điển vẫn mở cửa các lớp học cho trẻ nhỏ.
Tại Châu Á, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã thực hiện những chiến lược quan trọng, có thể làm xoay chuyển tình hình dịch bệnh như xét nghiệm rộng rãi để phát hiện các ca bệnh, khuyến khích hoặc bắt buộc những người nghi nhiễm tự cách ly.
Trong một cuộc họp báo thời gian gần đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, không một biện pháp đơn lẻ nào là đủ: “Không thực hiện riêng lẻ các biện pháp xét nghiệm, cách ly, theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân hay giãn cách xã hội. Hãy kết hợp tất cả”.
Giãn cách xã hội
Giãn cách xã hội được hiểu là việc giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm hạn chế nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 giữa những người ở gần nhau. Nhiều nước hiện giờ đang quyết định sẽ giữ khoảng cách trong bao xa. Một số nghiên cứu cho rằng, khoảng cách cần thiết là 2m.
Số liệu thống kê từ các ca mắc Covid-19 đến nay cho thấy, Covid-19 chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người vào giai đoạn 24 giờ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Vì thế, giới chức y tế đã khuyến khích người dân tránh tụ tập đông người, ở nhà thường xuyên hơn và giữ khoảng cách với người khác. Nếu mọi người ít di chuyển và tiếp xúc với nhau, virus sẽ ít có cơ hội lây nhiễm, một số chuyên gia cho biết.
Nhiều nước đã bắt đầu thực hiện bằng cách cấm các cuộc tụ tập có hơn 1.000 người, sau đó giảm dần về số lượng. Đức đã đóng cửa hầu hết các cửa hàng nhưng kéo dài thời gian hoạt động với siêu thị để hạn chế số lượng người mua hàng quá đông tại một thời điểm. Tại một số nước, các cửa hàng lựa chọn chỉ phục vụ đầu giờ sáng với những khách hàng lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Chính phủ Australia đã khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các hoạt động có từ 500 người trở lên đồng thời yêu cầu mọi người từ bỏ thói quen bắt tay và không ôm hôn người khác.
Phong tỏa
Nhiều nước ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã tiến hành biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới hoặc áp dụng lệnh giới nghiêm nhằm phòng chống Covid-19. Tại châu Âu, số ca nhiễm và bệnh nhân tử vong vì nhiễm virus corona ở “lục địa già” đang cao hơn tất cả khu vực khác trên thế giới. Việc trở thành tâm dịch khiến châu Âu bị “cách ly” với phần còn lại của thế giới.
Italy đã chính thức bước sang ngày thứ 12 trong tình trạng phong tỏa trên toàn quốc – quyết định được Thủ tướng Giuseppe Conte công bố vào đêm 9/3. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ ở Italy và cả châu lục kể từ sau Thế chiến II. Tiếp đến, là Pháp và Tây Ban Nha. Ở Pháp, 100.000 cảnh sát bắt đầu tuần tra trên đường phố vào ngày 17/3 để đảm bảo mọi người phải ở trong nhà và chỉ cho phép người dân ra ngoài trong những trường hợp thiết yếu.
“Nếu không áp đặt lệnh hạn chế đi lại thì có thể còn có nhiều trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến việc di chuyển hơn bây giờ,” Anthony Fauci, lãnh đạo Viện nghiên cứu Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ nhận định.
Trái với quan điểm này, nhiều nhà dịch tễ học đã cho rằng, việc cấm đi lại chỉ đem lại một ít lợi thế về thời gian. Nếu suy xét vấn đề kỹ hơn có thể thấy lệnh cấm có thể phản tác dụng, ví dụ ảnh hưởng đến việc cung cấp và hỗ trợ thiết bị y tế, thuốc men, làm xói mòn lòng tin của công chúng. Và khi đã có hàng ngàn người trong đất nước bị nhiễm bệnh thì sẽ còn không nhiều nguồn lực để giữ cho những người còn lại khỏi lây nhiễm trong thời gian dài.
Wiku Adisasmito, chuyên gia của chính phủ Indonesia phụ trách chống Covid-19 cho biết, lệnh phong tỏa sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và những lao động có nguồn thu nhập dựa vào công việc làm theo giờ vì họ sẽ không thể đi làm. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp gia đình.
Xét nghiệm rộng rãi
Hàn Quốc có thể coi là hình mẫu trong việc kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Không cần áp dụng biện pháp phong tỏa, nước này vẫn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh với tỷ lệ tử vong hiện nay chỉ chiếm 1%. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã giảm đáng kể từ 909 trường hợp vào ngày 29/2 xuống còn 74 vào đầu tuần này.
Chìa khóa dẫn tới thành công này nằm ở chương trình xét nghiệm tối đa trên diện rộng, được tổ chức bài bản, kết hợp với các nỗ lực sâu rộng nhằm theo dõi và cách ly những người có tiếp xúc với bệnh nhân.
Rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch MERS năm 2015 và tiếp đến là tái tổ chức hệ thống kiểm soát dịch bệnh. Đến nay Hàn Quốc đã có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt với công suất lớn và ngành công nghệ sinh học phát triển có thể sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh. Những yếu tố này cho phép Hàn Quốc thực hiện 15.000 xét nghiệm mỗi ngày, đứng thứ 2 sau Trung Quốc và đứng thứ 3 trên thế giới về tần suất xét nghiệm Covid-19. Singapore và Nhật Bản cũng đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống dịch bệnh nhờ vào khả năng phát triển các xét nghiệm chẩn đoán riêng khi trình tự bộ gen Covid-19 được công bố.
Biện pháp này cũng được áp dụng rất hiệu quả tại Đức – quốc gia có tỉ lệ số người chết trên tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn so với nhiều nước khác, dù nằm ở vùng tâm dịch của thế giới. Tỉ lệ tử vong do dịch Covid-19 ở Đức chỉ là 0,2%, trong khi ở Italy là 7,9%. "Đức thực hiện xét nghiệm rất quyết liệt. Nhờ đó, họ có thể phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ", Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.
Theo giáo sư Lothar Wieler, chủ tịch của Viện Robert Koch, Đức, các phòng thí nghiệm tại nước này thực hiện 160.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi tuần, nhiều hơn so với tổng số của một số nước châu Âu thực hiện kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại khu vực. “Khả năng xét nghiệm được tăng cường bằng cách chuyển đổi các phòng thí nghiệm về động vật sang thành phòng thực hiện xét nghiệm virus. Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi bị thiếu bộ xét nghiệm”, ông Wieler cho biết thêm. Trái ngược với Hàn Quốc và Đức, Mỹ lại có một khởi đầu chậm chạp. Tính đến ngày 16/3, Mỹ chỉ làm 76 xét nghiệm trên 1 triệu dân, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 5.200 xét nghiệm trên 1 triệu dân.
"Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm" là khẩu hiệu của WHO trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Các chuyên gia tin rằng chương trình xét nghiệm không chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm mới hơn, từ đó giúp nhà chức trách sớm ngăn chặn việc bùng phát ổ dịch mới.
Những sai lầm nghiêm trọng khiến Italy phải trả giá đắt vì dịch Covid-19
Theo dõi và cách ly người tiếp xúc bệnh nhân
Dù đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, nhưng một số quốc gia có thể không thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 vì thiếu khả năng theo dõi việc tiếp xúc của người nhiễm bệnh. Nếu người nhiễm hoặc người nghi nhiễm không được tìm thấy, việc xét nghiệm rộng rãi sẽ không đạt hiệu quả cao.
Hàn Quốc thực hiện rất tốt công việc này nhờ xây dựng được những thành phố thông minh, tập trung vào truyền thông mở, cùng hệ thống mạng chuyên theo dõi người mắc virus. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có mật độ giám sát bằng công nghệ cao nhất thế giới. Camera quan sát lắp đặt tại nhiều địa điểm cho phép nhà chức trách xác định những ngươi đã tiếp xúc với bệnh nhân. Trong năm 2014, các thành phố tại Hàn Quốc đã lắp đắt hơn 8 triệu camera quan sát, cứ 6,3 người thì có 1 camera.
Các chuyên gia y tế cho rằng, đối với những quốc gia không có được lợi thế này, việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi ý thức là rất cần thiết. Nếu được nâng cao nhận thức, người bệnh sẽ tự cách ly và khai báo những người đã liên hệ với họ để nhà chức trách kịp thời có biện pháp xử lý.
Miễn dịch cộng đồng
Đối với nhiều người, câu hỏi lớn nhất là: Dịch bệnh sẽ chấm dứt khi nào và bằng cách nào. Mark Woolhouse, một nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh cảnh báo “Chúng ta có thể sống với virus này vô thời hạn”. Theo ông, việc ngăn chặn có thể đòi hỏi phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong vài tháng, ít nhất là cho đến khi các nhà khoa học tìm ra vaccine. Tuy nhiên, cái giá phải trả sẽ rất kinh khủng đối với nền kinh tế, đời sống xã hội và sức khỏe tinh thần.
Một số quốc gia hiện đang cân nhắc về việc để dân chúng tự xây dựng khả năng miễn dịch bằng cách cho phép một số ít trường hợp nhiễm bệnh diễn ra, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ thấp như trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Đó là chiến lược mà Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte công bố vào ngày 16/3. “Với cách tiếp cận này, chúng ta vừa có thể xây dựng khả năng miễn dịch lại vừa đảm bảo hệ thống y tế có thế đối phó được”.
nhiên, cách tiếp cận này vấp phải sự phản đối kịch liệt của giới khoa học khi cho rằng nó sẽ cướp đi sinh mạng của quá nhiều người./.
Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nam giới cao hơn nữ giới?