Theo ông Dmitry Medvedev, các nhà chức trách Ukraine đang hối hận vì quyết định từ bỏ kho hạt nhân mà họ kế thừa sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ông cho rằng Kiev đưa ra quyết định này trước "sức ép mạnh mẽ" từ Washington. Ông cũng nói rằng tất cả Tổng thống Ukraine, từ ông Leonid Kravchuk cho tới ông Volodymyr Zelensky đều gọi đây là một động thái bắt buộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhận định, Kiev đã "gửi đi những tín hiệu rõ ràng về việc nối lại chương trình hạt nhân. Đó là một trong những lý do chúng tôi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Dmitry Medvedev cho hay.
Ông Medvedev cũng so sánh sự khác biệt giữa Ukraine và Nam Phi - quốc gia đầu tiên tình nguyện từ bỏ kho hạt nhân. Ông cho biết sau khi chế độ Apartheid sụp đổ, các nhà chức trách của nước này đã "có hành động có trách nhiệm với người dân, các nước láng giềng và toàn bộ cộng đồng quốc tế".
"Hiện nay, họ không tiếc nuối về lựa chọn mà họ đưa ra cách đây 30 năm. Họ tự hào về điều đó", ông cho hay.
Theo Bản ghi nhớ Budapest 1994, Ukraine từ bỏ kho hạt nhân thời Liên Xô để đổi lấy cam kết từ Mỹ, Anh và Nga rằng họ sẽ "cung cấp sự hỗ trợ" cho nước này trong trường hợp bị tấn công. 3 nước trên cũng khẳng định sẽ không tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Nga nhiều lần cho biết tài liệu này bị hủy hoại trước sự mở rộng của NATO về phía Đông, đe dọa các lợi ích an ninh thiết yếu của Moscow. Hơn nữa, theo ông Medvedev, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, ông Zelensky đã cho thấy Kiev có thể từ bỏ cam kết kéo dài nhiều thập kỷ qua về việc là một quốc gia phi hạt nhân và sẽ đảo ngược quyết định này để sở hữu vũ khí nguyên tử./.