Ukraine Weapons Tracker - trang tin theo dõi tình hình xung đột Nga – Ukraine ngày 6/11 cho biết, quân đội Ukraine vừa tiếp nhận tổ hợp rà phá bom mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) từ Mỹ. Hệ thống này được thiết kế để rà phá bom mìn từ xa và phá hủy các tuyến phòng thủ của đối phương.
Cận cảnh quân đội Mỹ sử dụng M58 MICLIC để rà phá bom mìn. Nguồn: Defense Express.
M58 MICLIC là phiên bản do Mỹ sản xuất, được cho là có nguồn gốc từ tổ hợp rà phá mìn UR-77 của Liên Xô, với nguyên lý hoạt động tương tự: Một quả tên lửa nổ được phóng đi kéo theo một đoạn dây cáp chứa thuốc nổ, khi tên lửa hết nhiên liệu rơi xuống đất cũng là lúc thuốc nổ được kích hoạt. Sức ép từ vụ nổ sẽ phá hủy các quả mìn được gài xung quanh. Chiều dài của dây thuốc nổ có thể thay đổi tùy vào điều kiện thực tế của bãi mìn cần phá.
M58 MICLIC được trang bị cho Quân đội và Thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1988. Tổ hợp này bao gồm khung gầm xe kéo M353 hoặc M200A1, cụm bệ phóng, bộ dẫn bắn M147, dây phóng M58A3 và tên lửa 127mm MK22 Mod 4, có thể phá hủy trận địa mìn có chiều dài 100m, rộng 8m. Tổ hợp phá mìn M58 MICLIC phục vụ cho công tác công binh mở đường cho lực lượng tăng thiết giáp, xe cộ và nhân viên đi qua các bãi mìn và các chướng ngại vật khác.
Tên lửa được phóng bằng động cơ Mk22. Sau khi tên lửa đến khoảng cách nhất định, được xác định bởi cáp hãm, nó sẽ rơi xuống bãi mìn và cắt động cơ tên lửa đẩy. Lái xe sẽ lùi xe lại để kéo thẳng cáp nổ. Tổ lái kích nổ dây nổ và cắt cáp hãm. Toàn bộ tiến trình phá nổ kéo dài từ 3-5 phút. Tổng lượng chất nổ được sử dụng trong một lần rà phá là hơn 1,2 tấn.
M58 MICLIC có thể triển khai trong nhiều loại điều kiện thời tiết và khí hậu khác nhau. Mỗi lần phóng, xe phá mìn M58 MICLIC chỉ mất từ 3 - 5 phút để dọn sạch quãng đường qua bãi mìn hoặc phá sập một phòng tuyến đối phương. Nhưng để nạp lại lượng nổ cho lần phóng kế tiếp, M58 MICLIC lại cần tới 30 phút.
Theo các chuyên gia quân sự, nhiều khả năng Ukraine sẽ sử dụng M58 MICLIC để cố gắng xuyên phá hàng phòng ngự của Nga trong bối cảnh Nga đang tăng cường xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố, còn được gọi là “phòng tuyến Wagner” ở miền Đông, cũng như đào các chiến hào ở tả ngạn sông Dnipro ở miền Nam của Ukraine.
Nga nỗ lực xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố
Defense Express dẫn thông tin từ nhà phân tích Benjamin Pittet của dữ liệu tình báo nguồn mở cho biết OSINT cho rằng, Nga đang có kế hoạch tạo ra hàng phòng thủ dày đặc ở phía Nam Ukraine. Ông Pittet công bố những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực Kherson cho thấy, Nga tiếp tục thiết lập các vị trí phòng thủ ở tả ngạn sông Dnipro gần Kherson, thậm chí ở khu vực Biển Đen và phía Đông sông Dnipro.
Theo chuyên gia này, Nga đã dựng một tuyến phòng thủ ở khu vực Nova Kakhovka. Hình ảnh cho thấy tại Nova Kakhovka có hai chiến hào và một số vị trí để đặt thiết bị, vũ khí. Ngoài ra còn một số tuyến phòng thủ tại nơi nhiều khả năng dành cho các đơn vị pháo binh của Nga đóng quân chẳng hạn như khu vực Hola Prystan. Trang Defense Express đưa tin, tại tả ngạn sông Dnipro, quân đội Nga đã xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc với sự tham gia của nhiều đơn vị tác chiến.
Bên cạnh đó, cũng có một số phòng tuyến ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, chẳng hạn bên bờ Biển Đen ở Vịnh Yahorlytska. Điều này cho thấy, quân đội Nga sẵn sàng chống lại các chiến dịch đổ bộ sâu của đối phương. Các tuyến phòng thủ này dài từ 180km đến 200km, đòi hỏi Nga phải đầu tư đáng kể các nỗ lực. Tuy vậy, ông Benjamin Pittet nhận định, việc Ukraine tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn tại Dnipro là điều khó xảy ra do Kiev đã tiêu tốn quá nhiều nguồn lực cho cuộc phản công ở Kherson.
Trước đó vào cuối tháng 10, Defense Express đưa tin, các nhà thầu quân sự của công ty an ninh tư nhân Wagner của Nga đã báo cáo về việc xây dựng phòng tuyến chống tăng được gọi là “phòng tuyến Wanger" hay “tuyến phòng thủ răng rồng” ở miền Đông Ukraine.
Đoạn đầu tiên của phòng tuyến có chiều dài 1,5km được xây dựng tại khu vực Lugansk do Nga kiểm soát và các nhà thi công đang có kế hoạch kéo dài tới 200km. Phòng tuyến này sẽ trải dài từ khu vực Svitlodarsk, dọc theo biên giới hành chính của các vùng Lugansk và Donetsk đến Lysychansk, và xa hơn nữa dọc theo bờ sông Siverskyi Donets đến thành phố Lugansk cũng như vùng biên giới giáp với lãnh thổ Nga.
Theo Defense Express, Nga không chỉ xây dựng phòng tuyến tại Lugansk, mà còn ở vùng Belgorod ở biên giới với Ukraine. Ông Vyacheslav Gladkov, Thống đốc vùng Belgorod của Nga cũng xác nhận thông tin này.
“Phòng tuyến Wanger" có các khối bê tông hình kim tự tháp, mỗi trụ cách nhau khoảng 2-3m, đặt dưới mặt đất. Chúng có thể được rải mìn xung quanh nhằm ngăn cản đà tiến công của xe tăng và xe bọc thép Ukraine nếu xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát và lan sang lãnh thổ Nga./.