Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cho biết, nước này vẫn đang đợi xác nhận liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 15 và 16/11 tới tại Bali hay không. Theo bà Retno, quyết định tham dự của Tổng thống Putin chỉ có thể rõ ràng vào phút chót.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cho biết, Ukraine sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, nếu Tổng thống Putin tham dự. Nếu không tới hội nghị, ông Putin sẽ cử một phái đoàn cấp cao của Nga tới tham dự.
Ngoại trưởng Indonesia cũng thừa nhận việc Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 trong năm nay là thách thức, có thể là lớn nhất từ trước đến nay do những vấn đề địa chính trị, kinh tế và các vấn đề khác. Một số nước có quan điểm cứng rắn đối với những vấn đề phức tạp và trong một số trường hợp, các nhóm làm việc phải mất nhiều ngày chỉ để nhất trí việc sử dụng một từ duy nhất trong văn bản.
Một số hội nghị G20 trong năm nay đã không ra được thông cáo chung bao gồm Hội nghị Bộ trưởng G20 vào tháng 7, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Một số nguồn tin nhận định một thông cáo chung khó có thể đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới,thay vào đó có thể là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng có Thông cáo đưa ra sau hội nghị hay không, Ngoại trưởng Indonesia cho rằng điều quan tâm hơn cả đối với bà là nội dung trong văn kiện cuối cùng. Cho dù văn kiện đó có tên là gì cũng sẽ chứa đựng các cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo G20.
Mặc dù nước Chủ tịch Indonesia muốn G20 tập trung nhiều vào vấn đề kinh tế nhưng Ngoại trưởng Retno cũng thừa nhận khó tránh khỏi vấn đề xung đột Ukraine tại hội nghị. Theo bà Retno, một trong những thành công của G20 năm nay đó là một Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện đã nhận được đóng góp 1,4 tỷ USD từ các nước như Trung Quốc, Mỹ hay Liên minh châu Âu./.