Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2022 của Indonesia bị phủ bóng với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong một số cuộc họp cấp Bộ trưởng, các nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, tác động đến cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu.

Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết, Indonesia muốn thúc đẩy các trọng tâm kinh tế hậu đại dịch, bao gồm ưu tiên trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng, nhưng những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine dự kiến tiếp tục được đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới.

Về sự tham dự của lãnh đạo các nước G20, Ngoại trưởng Indonesia cho biết, đến thời điểm này Indonesia nhận được phản ứng tích cực từ các quốc gia thành viên và khách mời, chưa nhận được công hàm nào tuyên bố vắng mặt tại hội nghị. Trong trường hợp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bà Retno Marsudi cho biết Tổng thống Zelensky chưa đích thân tham dự một sự kiện quốc tế nào kể từ khi xung đột nổ ra. Do đó, vẫn đang chờ xác nhận của Tổng thống Ukraine về việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp.

Đề cập khả năng các nước phương Tây tẩy chay Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Bộ trưởng Retno Marsudi cho biết, trong lịch sử của G20, tất cả các quyết định đều được đưa ra bởi sự đồng thuận trên thỏa thuận chung thay vì quyết định của cá nhân hay quốc gia đơn lẻ.

Đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 năm 2022 là một thách thức không nhỏ cho Indonesia khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. Đảm bảo sự tham gia của các tất cả các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, tránh căng thẳng gia tăng có thể cản trở việc đưa ra kết quả chung của hội nghị, tạo dựng lòng tin giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình sau này đang là ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà Indonesia./.