Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc”. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Nga, Tiến sỹ Vasily Kashin, Khoa Kinh tế và Chính trị quốc tế, Trường Kinh tế cao cấp nhận định, bài phát biểu bao trùm nhiều vấn đề cấp bách hiện nay và có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo Tiến sỹ Vasily Kashin, bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã bao trùm nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách từ những thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu; những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới; sự phân tán của hệ thống quan hệ quốc tế, vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc; các vấn đề trong nền kinh tế khu vực, căng thẳng về mâu thuẫn lãnh thổ, chạy đua vũ trang…
Trong diễn đàn này, lãnh đạo Việt Nam phát biểu với những quan điểm tự chủ, bài phát biểu này củng cố vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực và trong quan hệ với các siêu cường. Tiến sỹ Vasily Kashin cho rằng, Việt Nam đã đưa ra tầm nhìn để đưa khu vực thoát khỏi cuộc khủng hoảng kép do đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, trong khi đó, khu vực này đang có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.
Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo Việt Nam nêu ra một số nhiệm vụ ưu tiên trong bối cảnh mới đối với cộng đồng quốc tế như: vấn kiểm soát đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, tinh thần tự cường của mỗi quốc gia để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế; vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế; hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu; bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Theo học giả Nga, mỗi chủ đề này là một hướng quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa các quốc gia trong bối cảnh mới. Một số mục tiêu, chẳng hạn như: tăng cường khả năng tự cung tự cấp về các loại hàng hóa và nguyên liệu chính, chương trình nghị sự về khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số là vấn đề cấp bách, cũng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga coi trọng trong chiến lược phát triển của mình.
Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu bật quan điểm đối ngoại của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Điều này xuất phát từ thực tế là Việt Nam rất tích cực trong các hoạt động ở Liên Hợp Quốc và ASEAN.
Tiến sỹ Vasily Kashin khẳng định, quan điểm độc lập, tự chủ của Việt Nam, việc sẵn sàng thực thi chính sách tích cực và nhất quán về an ninh và hợp tác khu vực, cũng như đưa ra các sáng kiến trong lĩnh vực quản trị toàn cầu tại diễn đàn Liên Hợp Quốc có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các nước ASEAN đang trở thành đối tượng của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc./.