Gabby Gabreski là phi công hạng ace số 1 của Mỹ ở châu Âu trong Thế chiến thứ 2. Ông cũng là phi cônghạng acecủa Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. (Phi công hạng ace là người bắn rơi từ 5 máy bay đối phương trở lên - ND).

trung_ta_gabreski_uykw.jpg
Trung tá Gabreski trong khoang lái chiếc P-47 Thunderbolt của mình tại một căn cứ ở Anh. Ảnh: National Archives.

Thế nhưng ít ai ngờ lúc mới tập lái phi cơ, ông bị người ta đánh giá là quá căng thẳng trước hệ thống điều khiển của máy bay và có ít cơ trở thành phi công.

Tuy nhiên, sau này trong quá trình huấn luyện tại đơn vị không lực của lục quân Mỹ, ông đã vượt qua vòng loại cuối cùng, mở đầu giai đoạn 27 năm phục vụ trong không quân Mỹ. Ông được đánh giá là phi công hạng ace vĩ đại nhất còn sống của Mỹ.

Viết đơn xin học lái phi cơ

Gabby Gabreski sinh vào năm 1919, là con thứ 3 trong một gia đình Ba Lan nhập cư.

Gabreski tốt nghiệp trung học vào năm 1938. Theo chân một số bạn bè, ông viết đơn xin tham gia các khóa huấn luyện bay của lực lượng hàng không lục quân Mỹ. Viết đơn vậy thôi chứ Gabreski không nghĩ mình sẽ được người ta gọi đi học.

Tuy nhiên Gabreski vượt qua được vòng kiểm tra thể lực. Tháng 7/1940 ông được gửi sang trường Hàng không Parks ở Đông Saint Louis để huấn luyện cơ bản. Sau đó ông tham gia huấn luyện bay bằng máy bay Vultee BT-13 và AT-6s rồi tốt nghiệp vào tháng 3/1941.

Đầu tiên Gabby Gabreski được cử về một đơn vị tiêm kích ở Wheeler Field, Hawaii, lái Boeing P-26, và P-40.

Gabreski thừa nhận ít nhiều mình có lo lắng mỗi khi tiếp cận một chiếc phi cơ tiêm kích mới. Thế nhưng ông đã dần dần thích ứng với các đặc điểm riêng biệt của từng chiếc máy bay sau khi bay khoảng 30 tiếng mỗi tháng và hưởng cuộc sống khá an nhàn của một trung úy ở vùng Hawaii thời bình.

Thế rồi 8h sáng ngày 7/12/1941 bất ngờ máy bay Nhật gầm rú trên đảo Oahu của quần đảo Hawaii.

Giống như khoảng một chục phi công khác trong vụ tấn công bất ngờ này, Gabby vội lao ra sân bay và cất cánh trong một chiếc tiêm kích P-36. Gabby rất háo hức được chiến đấu, như ông thổ lộ sau này trong cuốn tự truyện năm 1988.

Trích đoạn trong cuốn sách nói trên: “Chiến tranh đã đến và tôi có nhiệm vụ của mình. Tôi coi chuyện phải chiến đấu là đương nhiên. Có thể tôi sẽ bắn hạ một máy bay đối phương. Cũng có thể tôi sẽ bị đối phương bắn hạ. Tôi không nghĩ mình sẽ bị giết nhưng ý tưởng bị giết có xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng điều này không thành vấn đề. Cái chính là tấn công đối phương”.

Vào thời điểm phi cơ của Gabby vọt lên không trung, chiến đấu cơ của Nhật Bản đã bay đi từ lâu. Cuộc sống của ông ở các căn cứ không quân Hawaii dần trở lại nếp cũ là bay tuần tra và thực hành chiến đấu với các phi công kinh nghiệm hơn.

Xin sang chiến trường Anh để học hỏi

Khi quân Đức Quốc xã tấn công Ba Lan, Gabby bị xúc động mạnh. Khi nghe tin các phi công Ba Lan giúp người Anh chống không quân Đức trong trận không chiến Anh Quốc, ông nảy sinh ý nghĩ: “Mình là một phi công tiêm kích, mình lại biết tiếng Ba Lan. Sao mình không xin được cử sang châu Âu để học hỏi người Ba Lan và truyền đạt lại các thông tin này cho người nước mình”.

Nguyện vọng của Gabby được chuyển lên trên qua các kênh chỉ huy. Mãi đến tháng 10/1942 một vị nào đó trong Lầu Năm Góc mới quyết định đây là ý tưởng hay. Gabby được thăng lên hàm đại úy và được cử sang đơn vị không quân số 8 ở Anh. Tại đây vào tháng 12/1942 ông được phân về đơn vị số 315, chuyên lái chiến đấu cơ Supermarine Spitfire.

Các phi công Ba Lan dày dạn kinh nghiệm từng chiến đấu chống phát xít từ năm 1939 đã đón nhận Gabreski.

Lãnh đạo đơn vị 315 là Tadeusz Andersz đã giúp ông làm quen với tiêm kích Spitfire và bay trong đội hình chiến thuật “finger four” cũng như “rodeo” và “circus” nhằm nhử các phi công phát xít cất cánh và giao chiến.

Andersz cũng dạy Gabby cách trì hoãn khai hỏa cho tới khi bay sát phía sau máy bay đối phương cũng như cách tránh bay vọt qua máy bay đối phương do lao quá nhanh.

Một bài học cơ bản nữa dành cho mọi phi công tiêm kích là Luôn luôn cảnh giác với các phi cơ tiêm kích địch lao từ hướng mặt trời tới.

Gabby nhớ một lần tác chiến cùng với các phi công Ba Lan khiến ông khắc ghi bài học này: “Khi ấy tôi nhòm lên khoảng không trống rỗng phía trên đầu mình. Chỉ lát sau, khoảng trời đó đã ngập đầy các máy bay Focke Wulf 190 không hiểu từ đâu chui ra. Tôi may mắn sống sót trong vụ này. Nhưng nhiều phi công thiếu kinh nghiệm khác thì không.”

Kinh nghiệm của Gabby trong phi đoàn 315 giúp ông tự tin chiến đấu trong vai trò phi công tiêm kích. Nếu như lúc đến Anh, ông mà được phân về một đơn vị của Mỹ thì có lẽ ông đã không thu được nhiều kinh nghiệm quý báu như vậy.

Bị tẩy chay

Tháng 2/1943, Gabby được thuyên chuyển sang đơn vị tiêm kích số 56 của Không lực số 8 thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Hubert Zemke. Sau đó ông chuyển sang lái máy bay P-47 Thunderbolt.

Trung úy Les Smith 40 năm sau nhớ lại rằng các phi công của đơn vị 56 ban đầu tẩy chay Gabreski.

Smith nói: “Chả là anh ấy không huấn luyện cùng chúng tôi ở Mỹ, không có mối quan hệ cá nhân với nhóm. Đã thế anh ấy lại đeo lon đại úy. Điều này tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp giữa anh và các đại úy cũ trong đơn vị và cạnh tranh gián tiếp với các thượng úy nhiều tuổi hơn muốn được thăng lên hàm đại úy. Các trung úy trẻ như chúng tôi không thực sự dính vào cuộc đấu đá này nhưng chúng tôi nể trọng những phi công nhiều tuổi hơn. Nếu họ không thích người mới thì nhóm trẻ chúng tôi cũng không quá thân thiện với người đó. Nhưng cuối cùng chúng tôi phải công nhận năng lực vượt trội của Gabby với tư cách là một phi công. Chúng tôi còn tôn trọng anh vì tinh thần chiến đấu rất cao của anh nữa”.

Sau một số phi vụ dưới quyền chỉ huy của Zemke mà không gặp được đối phương, Gabby đã làm bị thương một chiếc phi cơ Fw-190 trên bầu trời Hà Lan vào ngày 15/5. Dần dần ông được trao thêm trách nhiệm với tư cách là chỉ huy biên đội, sĩ quân tác chiến phi đoàn và tư lệnh phi đoàn. Sau đó ông được thăng hàm thiếu tá.

Mặc dù rất tự tin trong mỗi chuyến bay, ông đã gặp phải một tai nạn nhỏ khiến ông suýt phải chấm dứt sự nghiệp phi công tiêm kích. Khi quay tay cánh quạt để khởi động chiếc Piper L-4 thì động cơ nổ sớm và cánh quạt đập vào bàn tay phải. Một ngón tay của ông bị chảy máu toe toét, chỉ còn dính vào cơ thể bằng da và dây chằng. Ban đầu khi Gabby được đưa tới một bệnh viện gần đó, cảm nhận chung là không thể cứu được ngón tay đó nữa. Nhưng một bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng cố định được ngón tay. Trong 3 tháng tiếp theo, Gabby phải ở dưới mặt đất./.