Mỹ không phản đối Đức gửi xe tăng cho Ukraine: Ngoại trưởng Mỹ Blinken vừa cho hay, chính quyền Tổng thống Biden không phản đối ý tưởng Đức gửi xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken nói với các phóng viên ở Muenster, Đức, như sau: "Về vấn đề xe tăng, chúng tôi không có phản đối nào. Trên thực tế, chúng tôi ủng hộ bất cứ nước nào cung cấp xe tăng cho Ukraine, nếu họ quyết định vậy và chúng tôi xác định rằng điều đó có thể giúp Ukraine".
Đức đã từ chối mở kho xe tăng Leopard của mình để cung cấp cho Ukraine trên cơ sở không có đồng minh NATO nào khác cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí do phương Tây sản xuất như vậy.
Ukraine chuẩn bị tiếp nhận 90 xe tăng chiến đấu T-72B từ Séc: Ukraine sẽ tiếp nhận 90 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B từ Cộng hòa Séc, còn Mỹ và Hà Lan sẽ lo chi phí 90 triệu USD để tân trang số xe tăng này.
Sabrina Singh - phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 4/11 cho biết, đây là lần đầu tiên Mỹ chi tiền để đưa các xe tăng này trở lại hoạt động được ở Ukraine. Các xe tăng này sẽ được trang bị kính ngắm và hệ thống liên lạc được cải tiến.
Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine:Mỹ vừa công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung 400 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm việc cải tạo lại xe tăng T-72 và tên lửa cho hệ thống phòng không của Ukraine.
Theo phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh, Mỹ sẽ chỉ trả cho việc cải tạo lại 45 xe tăng T-72 từ Cộng hòa Séc và một số tên lửa cho hệ thống phòng không của Ukraine.
Cố vấn Mỹ thăm Ukraine, cam kết duy trì hỗ trợ: Nhà Trắng ngày 4/11 ra thông cáo cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã tới Kiev, gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các quan chức cấp cao khác để nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ với Ukraine.
"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của Ukraine với các hệ thống phòng không trong thời điểm trọng yếu này, giữa lúc lực lượng Nga đang phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp đất nước", ông Sullivan nói trong cuộc họp báo ở Kiev.
Ông Sullivan cũng nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ "không thay đổi" sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần sau. "Chúng tôi muốn bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn lực cần thiết và sẽ thu thập sự ủng hộ từ cả hai đảng tại quốc hội để điều đó diễn ra", quan chức Mỹ nói thêm.
Tổng thống Nga Putin tiết lộ lý do ngừng lệnh động viên một phần: Nhà lãnh đạo Nga Putin cho biết, nước này đã động viên đủ 300.000 quân nhân dự bị, đồng thời có thêm 18.000 người tình nguyện gia nhập quân ngũ.
Theo Tổng thống Putin, quân số của quân đội Nga tăng thêm hơn 300.000 người trong chiến dịch động viên một phần lực lượng dự bị do ông ban bố vào tháng 9 trong bối cảnh chiến sự Ukraine.
Tổng thư ký NATO: Nga ít khả năng dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg hôm 5/11 nói rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là nhỏ mặc dù khối quân sự này rất cẩn trọng về nguy cơ đó.
Tổng thư ký Stoltenberg nói với đài NTV của Thổ Nhĩ Kỳ rằng một cuộc tấn công hạt nhân có sức tàn phá lớn và quan điểm của Nga về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn không thay đổi.
Người đứng đầu NATO nói thêm rằng khối quân sự này muốn khẳng định rõ việc không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nga sơ tán dân thường và phương tiện sang tả ngạn sông Dnipro: Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/11 công bố video sơ tán dân thường trên một chiếc phà do quân đội Nga vận hành băng qua sông Dnipro ở khu vực Kherson.
Kịch bản chấm dứt xung đột quân sự Nga - Ukraine và tính khả thi: Lập trường của Nga và Ukraine vào lúc này rất cách xa nhau. Tuy vậy, phía Nga vẫn gửi đi thông điệp về đàm phán chấm dứt xung đột quân sự. Các bên sẽ chấp nhận nhượng bộ nhau như thế nào để đạt được giải pháp hòa bình?/.