Điều kiện đàm phán của Nga và phương Tây

Ngoại trưởng Nga Lavrov gần đây nói về việc Moscow "sẵn sàng" đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Larvov nêu rõ rằng Nga có 2 điều kiện để đạt một thỏa thuận ngừng bắn.

Theo Newsweek, một trong các điều kiện của ông Lavrov để hai bên đàm phán là phương Tây "tính đầy đủ đến lợi ích của Liên bang Nga và an ninh của nó". Điều kiện thứ 2 là phương Tây cần mang lại "cho chúng tôi một số cách tiếp cận nghiêm túc để giúp tháo ngòi căng thẳng".

Điều kiện đầu tiên trong 2 điều kiện này là Nga yêu cầu phương Tây (đặc biệt là Mỹ) chấp nhận ít nhất một số yêu sách lãnh thổ của Nga ở Ukraine cũng như việc Ukraine không gia nhập NATO. Điều kiện thứ 2 có thể là yêu cầu Mỹ và các nước phương Tây khác đưa ra một cơ chế để buộc Ukraine chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga và phương Tây về chấm dứt xung đột.

Cả Mỹ lẫn Ukraine đều không sẵn lòng nghe theo đề xuất do ông Lavrov đưa ra. Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó đã nêu các điều kiện của riêng ông về đàm phán một giải pháp, trong đó có trừng phạt Nga thông qua các lệnh trừng phạt mới, chấm dứt vai trò ủy viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và các bảo đảm an ninh quốc tế cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin chắc chắn không chấp nhận các điều kiện này.

Nga và Ukraine rõ ràng vẫn cách xa cách nhau về các điều khoản mà hai bên cùng chấp nhận được nhằm chấm dứt xung đột quân sự. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã nêu rõ rằng bất cứ giải pháp nào đều phải chấp nhận được đối với chính quyền Ukraine; Mỹ sẽ không giúp Nga bằng cách nài nỉ Ukraime chấp nhận những điều họ không muốn.

Cần sự thỏa hiệp

Vậy liệu có thể đạt được những điều khoản thực tế nào đó để chấm dứt xung đột? Nếu không có bên nào giành được chiến thắng chung cuộc, khi ấy hai bên chỉ có thể đạt được một giải pháp thông qua đàm phán nếu cùng chấp nhận một số nhượng bộ nào đó. 

Phương Tây có thể đưa ra đề xuất sau:

Để đổi lấy việc Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà họ kiểm soát kể từ ngày 24/2/2022 và Nga dừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây sẽ thu hồi tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt lên Nga kể từ ngày đó. Ukraine sẽ hưởng lợi rõ từ điều này và Nga có thể nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang các nước phương Tây sẵn sàng mua năng lượng của Nga.

Để Ukraine đồng ý không tìm cách gia nhập khối quân sự NATO như Nga nhất quyết yêu cầu, học giả Mỹ Mark N. Katz (Đại học George Mason) cho rằng Moscow sẽ cần một số nhượng bộ để thuyết phục Ukraine không làm vậy, như rút quân khỏi biên giới với Ukraine, rút lực lượng Nga khỏi Belarus, rút quân khỏi Transnistria (khu vực ly khai khỏi Moldova và được Nga hậu thuẫn), và chấm dứt phong tỏa hải quân đối với các cảng biển của Ukraine.

Nhiều người ở phương Tây, đặc biệt là ở Ukraine, sẽ phản đối các đề xuất này vì cho rằng chúng không đủ mạnh trong việc trừng phạt Nga vì đã phát động chiến dịch tấn công Ukraine. Tương tự, Tổng thống Putin và đội ngũ thân cận của mình sẽ không dễ từ bỏ các những gì họ đã thu được sau khi hứng chịu các thiệt hại không nhỏ.

Hiện nay, cả hai bên đều có xu hướng muốn tiếp tục giao chiến thay vì có bất cứ nhượng bộ nào với nhau. Nhưng nếu hai bên vẫn ở trong thế bế tắc thì vào một thời điểm nào đó, cả hai sẽ phải chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp, kể cả khi hai bên đều không hài lòng. Khi ấy, các nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây nên tích cực hỗ trợ họ đạt được điều này./.