Theo báo cáo, tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp phối hợp phát triển sẽ được các kỹ sư Ba Lan tích hợp với máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-24M của Ukraine.
Sự kết hợp này sẽ khiến Storm Shadow trở thành tên lửa thứ hai của phương Tây được trang bị trên máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ thời Liên Xô. Trước đó, Mỹ được cho là đã tích hợp thành công tên lửa chống radar AGM-88 (hay còn gọi là HARM) với máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực này không mấy hiệu quả bởi Nga đã tìm ra cách thức phòng thủ và bắn hạ nhiều tên lửa chống radar AGM-88.
Sự kết hợp giữa Su-24M và Storm Shadow
Thông tin do truyền thông Nga đăng tải cho biết, Ba Lan là quốc gia đang thực hiện sứ mệnh tích hợp tên lửa Storm Shadow. Tuy nhiên chỉ có duy nhất một chiếc Su-24 thuộc Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 7 được trang bị do giá thành tên lửa này rất đắt đỏ, lên tới 1,4 triệu USD/mỗi quả.
Các chuyên gia phương Tây đang tập trung vào khả năng trang bị Storm Shadow cho Su-24M. Military Monitoring đã nêu tên 3 nhà máy hàng không quân sự ở Ba Lan – nơi có thể thực hiện công việc này. Đó là 2 nhà máy quân sự WZL ở Warsaw và Bydgoszcz, hoặc nhà máy PZL ở Mielec. Kênh quân sự Rybar đã đăng hình ảnh minh họa về Su-24 kết hợp với Storm và thông tin kỹ thuật của tên lửa này.
Sukhoi Su-24 là một máy bay cường kích ném bom của Liên Xô ra đời vào giữa những năm 1970. Loại máy bay hai động cơ này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ ném bom cực thấp, và không được tối ưu hóa để tham gia các cuộc không chiến. Các cánh chính của nó có thể thu về phía trước và phía sau, điều chỉnh luồng không khí xung quanh máy bay. Kiểu cánh cụp cánh xòe này cung cấp cho Su-24 khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn, đồng thời cho phép đạt tốc độ cao khi bay thấp. Su-24 được trang bị vũ khí gồm một pháo đơn bắn nhanh GSh-6-23 với 500 viên đạn, gắn ở dưới bụng. Nó có 8 điểm treo vũ khí: 2 dưới phần khớp quay cánh, 2 dưới cánh ngoài và 4 dưới thân máy bay.
Su-24 có tầm bay trên 3.000 km, trọng lượng tối đa khi cất cánh là 39.700 kg, trần bay 11.000 m, phi hành đoàn gồm 2 người. Máy bay được lắp đặt 2 động cơ phản lực đốt sau Saturn/Lyulka AL-21F-3A có công suất 110 KN mỗi động cơ, giúp Su-24 có thể đạt vận tốc 1.700 km/h, tốc độ leo cao 150 m/s.
Phiên bản nâng cấp được sử dụng rộng rãi là Su-24M (tên ký hiệu NATO là Fencer-D), bắt đầu được sản xuất vào năm 1978 và biên chế trong các đơn vị vào năm 1983. Su-24M nâng cấp (Fencer-D) là một loại máy bay có nhiều tình năng ưu việt hơn, do được tích hợp hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hệ thống radar công kích bám theo địa hình Orion-A. SU-24M cũng được tích hợp hệ thống thả mồi bẫy gây nhiễu radar, tên lửa tầm nhiệt, thiết bị chỉ thị/đo xa laser Kaira-24.
Tên lửa “thay đổi cuộc chơi”
Storm Shadow có thể phá hủy boongke, cơ sở hạ tầng kiên cố, các mục tiêu di động hoặc cố định chẳng hạn như trung tâm chỉ huy và điều khiển, sân bay, bến cảng và trạm điện. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và tham chiếu địa hình.
Phiên bản Storm Shadow do Pháp sản xuất, có tên gọi SCALP, hiện đang được Không quân Ấn Độ dùng cho máy bay chiến đấu Rafale. SCALP có chiều dài 5m, đường kính 0,48m, sải cánh 3m, trọng lượng khoảng 1.300 kg với đầu đạn nặng 450 kg. Tên lửa này sử dụng động cơ turbine phản lực cho phép nó đạt tốc độ tối đa lên tới 1.000km/h, tấm bắn từ 250-300 km. Tên lửa được đẩy ra khỏi ống phóng bằng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, khi động cơ nhiên liệu rắn cháy hết tên lửa sẽ kích hoạt động cơ phản lực để lao đến mục tiêu.
SCALP được dẫn đường bởi một hệ thống đo lường quán tính (Inertial Measurement Unit), cập nhật đường bay thông qua bản đồ địa hình kỹ thuật số và định vị vệ tinh GPS. Tên lửa có thể được lập trình trước khi phóng, giúp nó có khả năng 'bắn và quên'. Các máy bay chiến đấu như Tornado, Eurofighter Typhoon, Saab Gripen và Mirage-2000 đều có thể phóng tên lửa Storm Shadow.
Chuyên gia nói gì?
Cựu phi công Ấn Độ Vijainder K. Thakur cho rằng, Ba Lan có thể đã hoàn thành quá trình tích hợp. Khi được hỏi về những hệ thống nào của máy bay chiến đấu Su-24 cần phải thay đổi để tương thích với Storm Shadow, ông Thakur cho biết: “Việc tích hợp sẽ được thực hiện thông qua sử dụng bộ chuyển đổi. Ngoài ra, chuyến bay và máy tính trên máy bay cần được lập trình để hiển thị các thông số, gửi hoặc tiếp nhận tín hiệu từ vũ khí”.
Do SCALP là tên lửa tàng hình nên các hệ thống phòng không của Nga sẽ phải sử dụng tính năng nhắm mục tiêu quang học. “Tên lửa Storm Shadow sẽ tạo ra một số thay đổi trên chiến trường”, ông Vijainder K. Thakur lưu ý./.