“Việc phi quân sự hóa” Nagorno-Karabakh vẫn là “điều cần thiết tuyệt đối”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết ngày 3/8, khi Baku thực hiện “Chiến dịch trả thù” ở khu vực tranh chấp trong vòng xoáy căng thẳng mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia.

Baku đã “nhiều lần tuyên bố” sự hiện diện liên tục của quân đội Armenia và “các nhóm vũ trang Armenia bất hợp pháp” trong “các vùng lãnh thổ của Azerbaijan” vẫn là điều nguy hiểm. Tuyên bố cho biết thêm, Azerbaijan coi việc các lực lượng Armenia “rút quân hoàn toàn” và giải giáp dân quân địa phương là điều cần thiết tuyệt đối.

Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có dân số chủ yếu là người Armenia và trên thực tế do Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng - còn được gọi là Cộng hòa Artsakh, quản lý kể từ những năm 1990, khi khu vực này lần đầu tiên tìm cách tách khỏi Azerbaijan. Người Armenia ở Nagorno-Karabakh và dân quân địa phương kể từ đó đã nhận được sự hỗ trợ từ Yerevan.

Tuyên bố được đưa ra khi Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự trong khu vực, chiến dịch mà Baku tuyên bố là nhằm đáp trả hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn của dân quân địa phương đang tìm cách thiết lập các vị trí chiến đấu mới trong khu vực. Tuyên bố cho biết thêm, cuộc tấn công đã bị các lực lượng Azerbaijan đẩy lùi.

Căng thẳng ở Nagorno-Karabakh đã tăng cao kể từ đầu tuần khi cả Baku và Yerevan cáo buộc lẫn nhau về các hành động khiêu khích quân sự, bao gồm các cuộc tấn công và pháo kích dữ dội. Các phương tiện truyền thông Armenia trước đó đưa tin rằng Baku đã lên kế hoạch tấn công Hành lang Lachin - con đường miền núi nối Armenia với khu vực.

Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan ngày 3/8 cho biết, Baku yêu cầu Yerevan ngừng sử dụng Hành lang Lachin và chọn một con đường khác có thể kết nối với Nagorno-Karabakh. Theo ông Grigoryan, các yêu cầu này vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 mà hai bên đã đồng ý theo sự hòa giải của Nga.

Năm 2020, thế giới đã chứng kiến cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng bùng phát khi Yerevan và Baku tiến hành cuộc chiến kéo dài 44 ngày, trong đó Azerbaijan đã chiếm được các khu vực của Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai tới khu vực tranh chấp, bao gồm cả Hành lang Lachin, nhưng tình hình vẫn căng thẳng kể từ đó./.