“Sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong lớn nhất trên thế giới mà chúng ta có thể phòng tránh được. Việt Nam đang phải đối  mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm”. 

Ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã khẳng định như vậy trong Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới diễn ra sáng nay (28/5), tại Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức.

Việt Nam là trong top 15 nước hút thuốc lá cao nhất thế giới

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 1,6 tỷ người.

Điều tra Toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá cho thấy, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tác nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính…
img_4399a_eqpe.jpg

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng năm 2013, 28% số ca tử vong ở nam giới Việt Nam từ 35 tuổi trở lên có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm mới cho chỉ 5 nhóm bệnh gồm: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa -  hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Theo điều tra năm 2014, tỷ lệ hút thuốc lá thanh thiếu niên Việt Nam trong độ tuổi từ 13 đến 15 giảm 3,3% so với năm 2007.

90% dân số thế giới hiện được bảo vệ bởi Công ước của LHQ

Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới với cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các tổn thất do sử dụng thuốc lá. Tham gia công ước, Việt Nam đã cam kết thực thi các biện pháp giảm nhằm kiểm soát nguồn cung cấp và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. 

Với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai Công ước, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể, các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng mạng lưới phòng chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc trên toàn quốc.

Công ước đã đóng vai trò quyết định tác động đến khung pháp lý về kiểm soát thuốc lá của Việt Nam mà trong số đó Luật phòng chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 là điển hình tiêu biểu.

Ông Jeffery Kobza khẳng định: Cho đến nay, đã có 180 nước là thành viên của Công ước, nó là một trong những Công ước được nhiều nước tham gia nhất trong lịch sử của LHQ. 90% dân số thế giới hiện được bảo vệ bởi Công ước này. Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế  thế giới là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Nó giúp cho việc bảo vệ thế hệ hiện nay và tương lại khỏi sự tàn phá sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế do hậu quả của sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia nhấn mạnh: “Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây và được nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành và tổ chức xã hội hướng ứng như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hội An, Nha Trang, Huế, Tiền Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Hải Dương. Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan công sở như: Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội,…”. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Dù hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá đã được hoàn thiện. Nhiều tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ban hành và triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu đã tích cực và chủ động tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Những nỗ lực trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là những kết quả trong xây dựng môi trường không khói thuốc, cấm quảng cáo thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho rằng, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố hoạt động phòng,chống tác hại của thuốc lá./.