Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, nhằm phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn. Theo đó, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh như trước kia.
Người dân đi khám bệnh vẫn sử dụng sổ khám bệnh bằng giấy như cũ. |
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, đến nay nhiều bệnh viện vẫn chưa triển khai khám bệnh theo bệnh án điện tử.
Chị Phạm Thị Bông (quê ở Quảng Bình) ra khám bệnh ở Bệnh viện K cơ sở 1 cho biết, chị cùng nhiều bệnh nhân chưa được khám bệnh bằng bệnh án điện tử, vẫn dùng sổ khám bệnh bằng giấy. “Tôi thấy ở bệnh viện vẫn dùng sổ khám bệnh như trước đây để khám bệnh. Tôi đến vẫn phải mua sổ khám, lấy số thứ tự, vẫn phải chờ khá lâu mới đến lượt khám”- chị Bông chia sẻ.
Người bệnh đến khám tại Bệnh viện K vẫn dùng sổ khám bệnh giấy. |
“Tôi thấy, việc khám bệnh bằng sổ khám bệnh bằng giấy lãng phí quá, nên đưa tất cả vào hệ thống điện tử. Bởi bây giờ người dân đi khám bệnh hầu hết đều có chứng minh thư, thẻ bảo hiểm, không cần thiết phải dùng sổ khám bệnh như cũ nữa. Nếu áp dụng bệnh án điện tử thì sẽ rất thuận lợi cho người dân, giảm chi phí, đỡ mất thời gian rất nhiều”- ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ, việc sử dụng sổ khám bệnh bằng giấy như hiện nay gây lãng phí, cần đưa tất cả vào hệ thống điện tử. |
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, để triển khai được bệnh án điện tử là cả “núi” công việc, cần phải có thời gian, lộ trình. Bác sĩ Hùng cho rằng, trước mắt cần phải xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu. “Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn, bệnh viện và đối tác công nghệ thông tin của bệnh viện cần một khoảng thời gian để lên phương án hoàn thiện. Chưa kể, hiện nay yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hiện chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị”- bác sĩ Hùng cho biết.
Được biết, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện một số giải pháp quan trọng. Theo đó, mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh sẽ có mã số định danh (ID) để quản lý suốt đời. Còn trong thanh toán viện phí, bệnh viện áp dụng thanh toán một lần, hóa đơn điện tử…
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết, bệnh viện chưa triển khai được ngay bệnh án điện tử mà vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở vật chất, rất nhiều công việc cần phải đồng bộ mới có thể thực hiện được.
Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện mỗi tỉnh, thành phố sử dụng một phần mềm khác nên thông tin chưa thể được đồng bộ. Vì vậy, Cục vẫn đang trong quá trình làm một phần mềm để thống nhất trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 – 2023), các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Giai đoạn 2 (2024 – 2028), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc; văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030./.
Nhiều bệnh viện ở TP.HCM bắt đầu áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử
Áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử từ 1/3/2019