Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng rộng rãi vaccine sốt rét RTS,S/AS01 còn gọi là Mosquirix cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở tại vùng châu Phi cận Sahara và các nơi chứng kiến sự tỷ lệ lây nhiễm sốt rét từ mức trung bình đến cao.

Khuyến nghị của WHO đưa ra sau khi chương trình thử nghiệm vaccine sốt rét đang triển khai ở Ghana, Kenya và Malawi thu về kết quả khả quan, với hơn 800.000 trẻ em được tiếp cận vaccine này kể từ năm 2019.

“Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Vaccine sốt rét cho trẻ em đã được chờ đợi từ lâu và đây là một bước đột phá về khoa học, về chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng, chống sốt rét”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo báo cáo của WHO, sốt rét vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em ở vùng châu Phi cận Sahara, với hơn 260.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì sốt rét mỗi năm. Do vậy, trong những năm qua, WHO đã cảnh báo về mối nguy hiểm và rào cản khó khăn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

“Chúng ta sử dụng vaccine này cùng các biện pháp hiện có để ngăn ngừa bệnh sốt rét và có thể cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, trong nhiều thế kỷ, bệnh sốt rét đã đeo bám vùng châu Phi cận Sahara. Do vậy, vaccine sốt rét Mosquirix mang lại tia hy vọng cho lục địa đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh sốt rét.

Theo WHO vaccine Mosquirix cần được tiêm 4 liều cho trẻ từ 5 tháng tuổi, để giảm nguy cơ mắc sốt rét và tỷ lệ tử vong.

Đến nay, hơn 2,3 triệu liều vaccine sốt rét đã được sử dụng tại 3 quốc gia châu Phi (Ghana, Kenya và Malawi) và chứng minh tính an toàn, hiệu quả cao của vaccine.

Vaccine sốt rét đầu tiên được WHO phê duyệt sau hơn 30 năm nghiên cứu này giúp ngăn ngừa 39% số ca mắc sốt rét và bảo vệ 29% số bệnh nhân sốt rét khỏi nguy cơ trở nặng.

Đây không chỉ là vaccine chống sốt rét đầu tiên, mà còn là vaccine đầu tiên có hiệu quả chống lại một loại ký sinh trùng nhất định./.

>> Vaccine sốt rét đầu tiên được WHO phê duyệt sau hơn 30 năm nghiên cứu