Sáng 14/7, Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho biết 10 ca mới này nhập viện với các triệu chứng tương tự nhau, nâng số bệnh nhân bạch hầu lên 47. Dự kiến chiều cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai tiêm chủng văcxin phòng bệnh cũng như cấp phát kháng sinh dự phòng cho người từng đi qua vùng ổ bệnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết hiện đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, không có dấu hiệu lây lan nhiều ra khu vực lân cận. "Hôm nay Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh công bố dịch", bác sĩ Thông nói.

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Bình Phước, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công điện gửi Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu.

cong_dien_acbj.jpg
Công điện số 858/CĐ-DP ngày 13/7/2016 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế tỉnh Bình Phước để khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu cho biết: Từ ngày 22/6/2016 đến nay, ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ; triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong.

Cùng với đó, cần phối hợp với Viện Pasteur TPHCM tổ chức tiêm vaccine chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vaccine phòng bệnh, đảm bảo tất cả các trẻ em đều được tiêm vaccine đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế, để tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vaccine muộn.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccin phòng bệnh đúng dịch, đủ mũi tiêm.

Đối với khu vực ổ dịch, tổ chức tuyên truyền tới từng hộ gia đình và các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hoá chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đưa các trường hợp có triệu chứng như sốt, đau họng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Mặt khác, cấp vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị, hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh.

Tiến hành điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hàng ngày về từng trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và kết quả triển khai các biện pháp phong chống dịch.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết: Gần nửa tháng nay, trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú có 29 trường hợp phải nhập viện trong tình trạng sốt, viêm amidan, trong đó có ba người đã tử vong, 6 người đã xuất viện, 20 người còn lại đang điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh cho biết triệu chứng gặp phải là sốt, ho, viêm đường hô hấp trên. Viện Pasteur TP HCM đã lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc với bệnh nhân đã tử vong, những trường hợp đang mắc bệnh và những người tiếp xúc gần với ca bệnh để tiến hành xét nghiệm./.