Ngày 2/9, các nhà nghiên cứu Nhật Bản biết đã triển khai một phương pháp mới để phát hiện virus Ebola chỉ trong 30 phút. Công nghệ này sẽ giúp chẩn đoán nhanh chóng việc nhiễm bệnh, ngay cả tại các nước thiếu thốn trang thiết bị.

Giáo sư Jiro Yasuda và ê kíp của trường đại học Nagasaki khẳng định tiến trình của họ không chỉ hiệu quả trong thời hạn rất ngắn, mà chi phí lại rẻ hơn hệ thống đang được sử dụng tại Tây Phi – nơi virus Ebola đã giết hại trên 1.500 người ở bốn quốc gia.

Các nhà nghiên cứu đã hoàn tất một quy trình, từ ngữ trong sinh học gọi là “dẫn dụ”, chỉ nhằm tăng cường các gien đặc thù của virus Ebola khi chúng hiện diện. Chất axit ribonucleic (ARN) được trích xuất ra từ các virus nếu có trong mẫu máu, sau khi vô hiệu hóa virus.

Từ các thông tin mã di truyền, các nhà khoa học tạo thành chuỗi ADN, trộn lẫn với chất dẫn dụ trong ống nghiệm. Tất cả sau đó được hâm nóng ở nhiệt độ 60-65°C. Nếu virus Ebola có trong đó, ADN đặc thù của virus sẽ được nhận diện trong vòng 30 phút. Chất lỏng trong ống nghiệm sẽ trở nên đục, và như vậy có thể xác định đã nhiễm bệnh.

Hiện nay một phương pháp được gọi là phản ứng chuỗi polymerase hay PCR, đang được sử dụng rộng rãi để phát hiện virus Ebola : một gien được sao chép nhiều lần liên tiếp cho đến khi số lượng đủ để phân tích. Phương pháp này đòi hỏi phải có trang thiết bị đặc biệt và cần đến hai tiếng đồng hồ.

Giáo sư Yasuda cho biết, “tiến trình mới của Nhật chỉ cần một thiết bị đơn giản để hâm nóng chạy bằng pin, tất cả chỉ tốn vài trăm USD - một cái giá mà các nước phát triển có thể chi trả được”.

Dịch bệnh do Ebola, lây nhiễm qua tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, đã khiến cả thế giới phải báo động. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 1.552 ca tử vong trên 3.069 trường hợp nhiễm bệnh ở Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria và từ ngày 31/8 có thêm Seneegal./.