Màng bọc thực phẩm vô cùng tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày, vì thế con người ngày càng ỷ lại vào nó. Đây được xem là cách bảo quản thức ăn nhanh gọn và dễ làm, chỉ cần dùng nó bọc lên rau, quả, đồ ăn thừa là chúng ta cảm thấy yên tâm. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy, có nhiều thực phẩm không thích hợp với việc sử dụng màng bọc, ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Những thực phẩm không nên bảo quản bằng màng bọc thực phẩm
Dùng màng bọc thực phẩm bọc 100g cà rốt thì sau một ngày hàm lượng Vitamin C chứa trong cà rốt giảm 3,4 mg, hàm lượng Vitamin C trong đậu đũa giảm 3,8 mg. Với dưa chuột, sau một ngày một đêm được bọc trong màng thực phẩm, lượng Vitamin C bị hao hụt tương đương với 5 quả táo tàu.
Màng bọc thực phẩm có tính thấu khí nhất định và không thấu ẩm, hơn nữa còn tránh được bụi trong không khí nên có thể kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Vì thế việc sử dụng màng bọc trong cuộc sống gia đình là rất phổ biến. Cũng bởi đặc tính không thấu ẩm, nên màng bọc thực phẩm thích hợp trong việc bảo quản những loại rau chứa hàm lượng nước cao.
Không nên dùng màng bọc thực phẩm bọc đồ ăn chín, đồ ăn nóng và những thực phẩm chứa dầu mỡ vì sau khi tiếp xúc với những thực phẩm này, thành phần hoá học chứa trong màng bọc sẽ dễ dàng phát huy, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ.
Không nên hâm nóng đồ ăn cùng màng bọc thực phẩm
Màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hoá học như Phthalates và DEHA, sau khi lò vi sóng tăng nhiệt, các chất trên sẽ sản sinh ra chất gây ung thư. Vì vậy, tốt nhất không nên dùng màng bọc thực phẩm khi hâm nóng hoặc chế biến đồ ăn bằng lò vi sóng hoặc vỉ hấp của nồi cơm điện. Màng bọc nên cách thực phẩm ít nhất 2,5cm. Tuy nhiên, tốt hơn cả là nên chọn thuỷ tinh chịu nhiệt, đĩa sứ đậy lên thực phẩm thay thế màng bọc. Cách làm này có từ xưa nhưng lại vừa hiệu quả, vừa tránh được việc màng bọc bị tan chảy, ngấm vào thực phẩm.
Phân biệt rõ chủng loại rồi sử dụng
Hiện nay, phần lớn màng bọc thực phẩm trên thị trường có thể chia thành hai loại: Màng bọc thực phẩm phổ biến, dùng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và Màng bọc thực phẩm dùng trong lò vi sóng (loại này dùng được cả trong lò vi sóng và trong tủ lạnh) Khi sử dụng, người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý điểm khác biệt này.
Đối với những màng bọc thực phẩm không đề cập đến việc sử dụng trong lò vi sóng, chúng ta tuyệt đối không được bọc chúng để chế biến hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng. Thậm chí, đối với những màng bọc có thể dùng trong lò vi sóng, chúng ta cũng không nên sử dụng trong thời gian quá dài, tránh nhiệt độ thực phẩm tăng cao khiến màng bọc tan chảy, dính vào đồ ăn.
Bởi, để tăng độ dính, độ trong suốt và độ đàn hồi cho màng bọc PVC, nhiều nhà sản xuất đã cho thêm một lượng nhựa tổng hợp vào. Trong nhựa tổng hợp có chứa dược chất hoá hợp, chất này có thể gây tổn hại lớn đối với hệ thống tiết dịch trong cơ thể người khiến sự trao đổi hoocmon bị rối loạn.
Chọn và sử dụng màng bọc đúng cách
Để giảm thiểu độc hại của màng bọc thực phẩm, người tiêu dùng cần lựa chọn và sử dụng màng bọc đúng cách. Nên mua màng bọc của thương hiệu đảm bảo uy tín, có chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý.
Nên chọn màng bọc PE, đây là loại màng bọc ít chất phụ gia. Màng bọc PE thường có màu trắng, bóc dễ dàng, khi sờ dính tay.
Màng bọc cần cách thực phẩm ít nhất 2,5 cm. Không bọc trực tiếp màng bọc vào thực phẩm. Dùng màng bọc với hoa quả nhiều vitamin C dễ làm hao hụt lượng vitamin có trong hoa quả. Bọc trực tiếp đồ ăn chín, đồ ăn nóng hay những thực phẩm nhiều dầu mỡ dễ khiến các chất độc hại xâm nhập vào đồ ăn và đi vào cơ thể.
Phân loại màng bọc trước khi sử dụng. Màng bọc PE dùng cho thức ăn đã qua sơ chế. Màng bọc PVC bảo quản thực phẩm chưa qua chế biến, không dùng màng nhôm bọc cho thực phẩm giàu axít.
Khi hâm nóng đồ ăn, phải bỏ màng bọc thực phẩm ra. Ở nhiệt độ cao, màng bọc thực phẩm dễ phân huỷ ra các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì thế, tốt nhất không bọc thực phẩm trong giai đoạn hâm nóng. Bạn có thể dùng thuỷ tinh chịu nhiệt hoặc đĩa sứ để đậy lên thức ăn.
Bạn cần bảo quản màng bọc ở nơi có nhiệt độ trung bình. Những nơi có nhiệt độ cao hoặc quá thấp dễ làm màng bọc biến chất và sinh độc tố. Không sử dụng màng bọc có dấu hiệu nấm mốc, bị sun, xuất hiện mùi lạ… Ngoài màng bọc, bạn nên mua sắm các vật đựng thức ăn chất lượng, có nắp đậy đi kèm để bảo quản tốt thực phẩm trong nhà.
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Các màng bọc được chế tạo từ các nguyên liệu nhựa tổng hợp với chất liệu phổ biến chủ yếu từ PVC (Polyvinyl chloride) và PE (Polyethylene). Do đặc tính hóa học của vật liệu PVC, khi chế tạo, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHA (Di-ethylhexyl adipate) hoặc DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) để làm mềm và làm trong suốt màng bọc. Còn đối với vật liệu PE thì không cần dùng phụ gia do vật liệu đã có đặc tính mềm dẻo và trong suốt khi chế tạo.
Việc bổ sung những hóa chất này trong quá trình sản xuất màng bọc dẫn đến việc thôi nhiễm ra thực phẩm và gây ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (DEHA là chất cấm sử dụng trong sản xuất màng bọc thực phẩm).
Do đó màng bọc chế tạo từ vật liệu PE an toàn hơn từ vật liệu PVC. Việc thôi nhiễm DEHA, DEHP có nguy cơ gia tăng nếu ở môi trường acid hoặc kiềm hoặc nhiệt độ cao, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm… Các chất DEHA, DEHP thôi nhiễm vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ em trai.
Các dấu hiệu chủ yếu để phân biệt một số loại màng bọc thực phẩm từ các vật liệu như sau:
1. Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.
2. Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.
TS Hùng khuyên nên lựa chọn màng bọc thực phẩm và cách sử dụng đúng cách để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm./.