Răng có chức năng nhai quan trọng, đồng thời đóng vai trò lớn trong quá trình học nói, tạo nên sự phát triển của cấu trúc gương mặt của trẻ. Do vậy, chăm sóc từ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên là điều cần thiết.
Trẻ sẽ có 2 giai đoạn phát triển răng là mọc răng sữa và răng vĩnh viễn. |
Quá trình mọc răng và thay răng của trẻ em
Theo BS CKI Trịnh Đức Mậu, trẻ sẽ có 2 giai đoạn phát triển răng là mọc răng sữa và răng vĩnh viễn. “Trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ giai đoạn được 7 - 9 tháng tuổi và đến khoảng tháng thứ 30 trẻ sẽ mọc đầy đủ cả hàm răng sữa. Chăm sóc răng cho trẻ trong thời kì này là rất quan trọng, việc chăm sóc răng sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này của bé. Vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm”, BS Mậu cho biết.
Răng vĩnh viễn sẽ mọc khi trẻ vừa 6 tuổi. Răng số 6 là chiếc răng vĩnh viễn mọc đầu tiên. Bắt đầu từ lúc này những chiếc răng sữa sẽ tuần tự được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Trong khoảng thời gian kể từ 6 đến 12 tuổi là giai đoạn trẻ có bộ răng hỗn hợp (bao gồm cả răng sữa và răng vĩnh viễn.)
“Việc mất răng sữa sớm sẽ làm cho các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng trống chỗ răng bị mất, răng hàm vĩnh viễn tương ứng mọc lên thay thế sẽ không có đủ khoảng trống cần thiết, dẫn đến mọc khấp khểnh, mọc lệch hoặc mọc kẹt, chen chúc. Giai đoạn này trẻ rất cần sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa”, BS Mậu cảnh báo.
Do thói quen xấu và vệ sinh răng miệng, trẻ thường gặp một số bệnh răng miệng phổ biến như răng sâu, răng sún, viêm lợi, hơi thở có mùi hôi, nhiệt miệng, viêm loét miệng. Có một vài trường hợp nguy hiểm như răng vĩnh viễn không mọc sau khi thay răng sữa, răng lệch lạc, sai khớp cắn (răng hô, móm, thưa, khớp cắn hở).
Biện pháp để ngăn ngừa các bệnh răng miệng ở trẻ
BS Mậu đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên chuẩn bị chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất và đa dạng cho trẻ, đảm bảo đủ lượng canxi trong khẩu phần ăn để giúp răng thêm chắc khoẻ. Chú ý chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ sớm, theo dõi và từ bỏ thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng như: mút tay, bú bình, thở bằng miệng, không chải răng sau khi ăn”.
Cha mẹ cần có kế hoạch thăm khám nha khoa định kì và điều trị kịp thời các bệnh lý về răng miệng như viêm lợi, sâu răng, sún răng, hôi miệng…
Chăm sóc và chữa trị bệnh răng miệng cho trẻ em phức tạp và khó theo dõi hơn ở độ tuổi trưởng thành vì trẻ thường sợ đau. Vì vậy có các phương pháp hỗ trợ và kỹ thuật đặc trị dành riêng cho trẻ nhỏ.
“Có thể áp dụng phương pháp phòng sâu răng sớm cho trẻ ở giai đoạn răng sữa. Phụ huynh đưa trẻ khám định kỳ thường xuyên, bác sĩ sẽ bôi gel flour vào bề mặt răng của trẻ. Gel Fluor có tác dụng tăng cường sự vững chắc cho men răng và hạn chế sự tiến triển của sâu răng”, BS Mậu cho biết./.
Những dấu hiệu cảnh báo tim hoạt động không bình thường