Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh cơ xương khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt là người già. Bệnh lý cơ xương khớp rất đa dạng. Theo phân loại quốc tế, có 15 nhóm bệnh cơ xương khớp với khoảng 100 bệnh xương khớp được phân loại. Tỷ lệ mắc bệnh rất cao.

Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên

Theo nghiên cứu tại Khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, bệnh lý cơ xương khớp có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thoái hóa khớp là một trong các bệnh thường gặp ở tuổi trung niên và thường ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới, gấp khoảng 1,5 – 2 lần…

Thời tiết lạnh càng làm cho các khớp đang bị bệnh thêm đau nhức, tê, mỏi, khó chịu. Để giảm bớt những khó chịu do đau nhức xương khớp mang lại, người già cần chú ý hơn trong chế độ sinh hoạt, đặc biệt cần giữ ấm cơ thể khi tiết trời lạnh giá như thế này.

tap_the_duc_kgda.jpgTập thể dục là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tật
Bác sĩ Bùi Hải Bình, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thoái hóa khớp là quá trình ăn mòn sụn khớp, sau đó là tổn thương đến những phần xunh quanh khớp như phần mềm, dây chằng, cơ và triệu chứng của bệnh thường gặp là đau khớp gối chẳng hạn như thoái hóa khớp gối, đau khớp gốicó tính chất cơ học, đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi vận động, nghỉ sẽ hết đâu, sau đó có thể đau âm ỉ, liên tục cả khi nghỉ, đau tăng khi vận động. Đau thường không kèm theo các triệu chứng khác của viêm như sưng, nóng, đỏ, sốt.

Một đặc điểm của thoái hóa khớp là dấu hiệu “phá rỉ khớp”, đó là hiện tượng cứng khớp buổi sáng (hoặc sau khi nghỉ ngơi lâu) kéo dài từ 15 – 30 phút, bệnh nhân phải vận động một lúc mới trở lại bình thường.

Điều trị phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của bác sĩ

“Nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi phần lớn không rõ nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động”, bác sĩ Bùi Hải Bình nói.

Theo bác sĩ Bình, việc điều trị thoái hóa khớp gặp nhiều khó khăn. Phương pháp điều trị có thể bằng thuốc hoặc không dùng thuốc. Và mỗi một người bệnh đều có phương cách điều trị khác nhau, và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng có những biện pháp để dự phòng làm giảm các nguy cơ làm thoái hóa khớp nặng lên. Ví dụ như giảm cân; không được mang vác quá nặng gây tổn thương, gánh nặng cho sụn khớp; chú ý rèn luyện những cơ xung quanh khớp gối (như: cơ đùi, cơ cẳng chân, cơ mông).

Ngoài phương pháp điều trị trên thì chế độ tập luyện và dinh dưỡng đối với bệnh thoái hóa khớp là rất quan trọng. Về chế độ luyện tập, các chuyên gia y tế chuyên về xương khớp khuyên, khi luyện tập, chúng ta nên chọn những môn mà gây áp lực ít cho khớp gối. Chẳng hạn như chơi những môn thể dục ở tư thế ngồi, nằm hoặc bơi lội. Có thể tập ngồi trên ghế để luyện cơ đùi.

Nếu những môn thể thao nặng hay đi bộ quá 30 phút, chơi tennis sẽ gây gánh nặng cho khớp gối và làm tổn thương nặng hơn. Trong khi luyện tập thể thao, phải chú ý là chọn những đôi giày đôi dép, nhất là đôi giày phải có đế có tính chất đàn hồi tốt, bằng cao su, nhựa mềm, hoặc bằng kếp càng tốt, với độ dầy của gót, chân từ 2 – 3cm, sẽ giảm sóc được rất tốt cho các khớp, đặc biệt là khớp gối. Nó dự phòng được tổn thương sụn khớp gối nặng hơn và đôi khi nó bảo vệ cả những cái cột sống hay các khớp khác của bạn.

Nên tránh thức ăn có nhiều độ chua, hay độ cay

Về dinh dưỡng, chúng ta nên tránh thức ăn có nhiều độ chua, hay độ cay (tức là tính axít cao), với tính axít cao nó gây mòn, gây mòn sụn khớp và nó gây tổn thương xương và làm  can-xi. Bên cạnh đó, những chất kích thích như: bia rượu, cà phê cũng làm giảm sự hấp thu canxi và sụn và gây mòn sụn khớp cho nên phải tránh. Nên dùng những loại thức ăn có nhiều sụn như: sụn cá mập, chân gà, chân vịt hoặc bổ sung canxi, sữa và những loại thủy hải sản.…

Phòng bệnh còn tốt hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phòng bệnh cho riêng mình. Để hạn chế được bệnh tật nói chung và các bệnh về xương khớp nói chung, cách tốt nhất là nên chọn cho mình một môn thể dục phù hợp, tập thể dục đều đặn, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống.

Các chuyên gia y tế khuyên việc tập luyện thường xuyên vừa tăng cường sức khỏe, vừa tăng cường sức mạnh cơ (từ đầu đùi, cơ cạnh cột sống) giúp lưu thông máu dễ dàng, là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Ngoài ra, chúng ta cần giữ nhịp sống thoải mái, thường xuyên thay đổi tư thế, không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp./.