Hôm nay (28/10), lần đầu tiên Bệnh viện nhi Trung ương và Hội teo mật bẩm sinh tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ teo mật bẩm sinh, với hơn 300 người tham gia.

Đây là dịp tuyên truyền, đẩy mạnh phát hiện sớm bệnh nhi teo mật bẩm sinh vì trên thực tế có nhiều trẻ được phát hiện bệnh muộn khi đã xơ gan chỉ vì cha mẹ cho rằng trẻ chỉ bị vàng da sinh lý.  

benh_ly_vang_da_pwza.jpg
 Lần đầu tiên sinh hoạt câu lạc bộ teo mật bẩm sinh
Teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, do gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của gan. Ước tính, cứ khoảng 10.000 trẻ em thì có 1 trường hợp mắc bệnh này.

Bệnh thường khởi phát ngay sau giai đoạn vàng da sinh lý nên gia đình bệnh nhi không để ý và bỏ qua giai đoạn vàng của việc phẫu thuật. Nếu phát hiện bệnh sớm thì phẫu thuật khi trẻ 6 tuần tuổi là tốt nhất và sau đó bệnh nhi sẽ khỏi khỏi bệnh nếu thuộc tuýp bệnh chữa được.

Khi trẻ đã 3 tháng tuổi mới phát hiện bệnh, việc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn và từ 4 tháng tuổi trở lên, biện pháp điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào việc chờ ghép gan vì lúc đó gan của bệnh nhi đã bị xơ và mất chức năng.

Những năm 2005-2010, mỗi năm, Bệnh viện nhi Trung ương phẫu thuật từ 25 đến 40 ca teo mật bẩm sinh. Đến nay, bệnh này được nhiều bác sỹ tuyến cơ sở biết đến, nên số ca phẫu thuật tại đây đã lên tới hơn 60 ca/1 năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em trong cộng đồng chưa được phát hiện sớm bệnh này.

Tiến sỹ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện nhi Trung ương khuyến cáo, cần lưu ý khi thấy trẻ sơ sinh bị vàng da: “Chúng ta không có chẩn đoán vàng da sinh lý kéo dài. Tất cả những trường hợp vàng da sinh lý kéo dài trên 2 tuần tuổi đều là vàng da bệnh lý, cần được thăm khám và xét nghiệm. Chỉ bằng mắt nhìn thì không ai có thể xác định được vàng da sinh lý và bệnh lý. Nếu có dấu hiệu vàng da đó là 2 dấu hiệu cơ bản bắt buộc phải đưa con tới bệnh viện chuyên khoa nhi”./.