Để tiến đến loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, Chương trình TCMR quốc gia đã thực hiện chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ sung cho trẻ từ 1-5 tuổi trên cả nước trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên do chưa được loại trừ nên bệnh sởi vẫn còn có cơ hội để phát triển trong cộng đồng vào thời điểm cuối đông đầu xuân hằng năm. Cộng đồng cần có những hiểu biết về bệnh để phòng tránh hiệu quả.
Cần phân biệt sởi và bệnh Rubella
Tác nhân gây bệnh sởi là virut thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virut cấp tính, với sự lây truyền cao. Sau khi virut xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 - 7 ngày, có những trường hợp bệnh kết thúc trong tình trạng tróc vảy. Trong thời gian mang bệnh, xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu giảm. Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng của bệnh, đó là do sự nhân lên của virut hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh.Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong vòng 6-9 tháng.
Hầu hết tử vong khi bệnh sởi xuất hiện thường không do virus sởi gây ra mà do những biến chứng.Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi là viêm não. Bệnh rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, ở những trẻ này có thể kèm theo ban xuất huyết, ruột không hấp thụ được protein, viêm tai giữa, mất nước, tiêu chảy, nhiễm khuẩn nặng ngoài da. Những trẻ được nuôi dưỡng kém thì bệnh sởi sẽ làm cho nhanh chóng biến thành suy dinh dưỡng cấp tính, nếu kèm theo thiếu vitamin trầm trọng có thể làm trẻ bị mù.
Sự lây nhiễm của bệnh sởi do virut từ những giọt nước bọt li ti của người bệnh bắn ra khi nói và người lành hít phải khi tiếp xúc, do vậy bệnh rất dễ lây thành dịch. Chẩn đoán bệnh thường căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học. Tuy nhiên cách xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm là đặc biệt cần thiết để phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác như Rubella.
Vaccine là biện pháp dự phòng tốt nhất
Trước khi có vaccine sởi phòng bệnh thì đây là căn bệnh mà tuổi ấu thơ hầu như ai cũng mắc phải. Trên thế giới, bệnh sởi vẫn còn là một trong những nguyên nhân đe doạ đến sức khỏe trẻ em ở những nước kém phát triển. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, người ta ước tính nếu không có vaccine phòng bệnh thì mỗi năm khu vực này có tới 25 triệu trẻ mắc bệnh, tương đương với số trẻ được sinh ra hằng năm. Tại Việt Nam, trước năm 1985 thì mỗi năm cũng có tới 0,5 triệu trẻ mắc bệnh sởi. Hiện nay bệnh sởi ở nước ta đã giảm rõ rệt, Việt Nam đang phấn đấu sẽ đạt được tỷ lệ mắc sởi chỉ còn 80- 85 ca sởi mỗi năm vào năm 2012, đây là yêu cầu đạt được khi thực hiện loại trừ bệnh sởi.
Phòng bệnh bằng vaccine được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Ttuy nhiên người ta thấy rằng việc tiêm một mũi vaccine duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỷ lệ trẻ tiêm phòng bệnh sót cũng như tỷ lệ đạt được miễn dịch của vaccine này cũng chỉ đạt xung quanh 90%. Do vậy cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2, việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch tới 99%. Có thể dùng loại vaccine kết hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) để phòng được 3 bệnh một lúc. Tất cả bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và tại các cơ sở y tế. Trước khi tiêm cán bộ y tế cần khám sơ loại, nếu trẻ đang mắc các bệnh khác thì có thể hoãn lịch tiêm đến khi trẻ khỏe mạnh bình thường./.