Đại dịch COVID-19 đang hoành hành trở lại tại Mỹ, do các biến thể nguy hiểm hơn, mà các chuyên gia y tế cho rằng chủ yếu tấn công những người từ chối tiêm vaccine. Tỷ lệ trung bình ca mắc mới trong 7 ngày tuần qua ở Mỹ đã tăng 44% so với tuần trước đó, số ca nhập viện tăng 44% và ca tử vong tăng 26%.
Điều rõ ràng là lây nhiễm đang xảy ra ở cả những người chưa được tiêm chủng và người đã tiêm, nhưng ở mức độ khác nhau. Đó là vì vaccine COVID-19 đã được chứng minh có hiệu quả ngay cả với biến thể Delta, vốn dễ lây lan hơn nhiều và có thể gây bệnh nặng hơn.
Theo ước tính trên phạm vi quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người được tiêm chủng thì nguy cơ nhiễm virus và phát triển thành bệnh thấp hơn 8 lần; nguy cơ nhập viện, tử vong thấp hơn 25 lần. (Lưu ý là có sự khác biệt giữa việc chỉ bị nhiễm virus và tiếp tục phát triển căn bệnh do virus gây ra.)
Dưới đây là những nghiên cứu cập nhật nhất cho thấy sự khác biệt giữa diễn tiến bệnh ở những người đã tiêm và người chưa tiêm chủng.
Người đã tiêm nếu nhiễm virus sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và thời gian bệnh ngắn hơn
Một nghiên cứu của CDC Mỹ sử dụng dữ liệu thu thập được trước khi biến thể Delta tràn lan ở Mỹ cho thấy những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc một mũi có nguy cơ phát triển các triệu chứng, như sốt hoặc ớn lạnh, thấp hơn khoảng 60% so với những người mắc COVID-19 mà chưa tiêm phòng.
Một số người trong gần 4.000 nhân viên y tế tham gia nghiên cứu, đã được tiêm vaccine, hoàn toàn không phát triển các triệu chứng khi nhiễm SARS-CoV-2. Và nếu có, các triệu chứng chỉ tồn tại ngắn hơn - khoảng 10 ngày so với khoảng 17 ngày ở người chưa tiêm vaccine. Số ngày ốm phải nằm giường cũng thấp hơn 2 ngày.
Dữ liệu xác nhận vaccine đang thực hiện “chính xác những gì chúng phải làm: ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong” - Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết trong cuộc họp giao ban về dịch COVID-19 tại Nhà Trắng trong tuần trước.
Tính đến ngày 26/7, khi hơn 163 triệu người ở Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, CDC báo cáo 6.587 người bị “lây nhiễm đột phá” trong số những người đã tiêm vaccine, những người này bị bệnh đến mức tử vong hoặc phải nhập viện. Tổng cộng 1.293 người trong số họ đã tử vong, nhưng như vậy chỉ chiếm không đầy 0,00001% tổng số người đã tiêm chủng đầy đủ vào thời điểm đó.
Người đã tiêm chủng nếu nhiễm virus sẽ ít nguy cơ lây truyền
Do chỉ gặp các triệu chứng nhẹ và có xu hướng hết nhanh hơn, những người đã tiêm vaccine nếu bị nhiễm virus ít có khả năng lây lan virus sang người khác hơn; họ ít bị ho hoặc hắt hơi, nghĩa là ít cho virus cơ hội hơn để bám vào người khác.
Theo nghiên cứu của CDC Mỹ, tải lượng virus, hay số lượng các hạt virus, có trong đường hô hấp trên của người đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc một phần thấp hơn 40% so với ở những người chưa tiêm.
Những người được chủng ngừa cũng ít có khả năng cho kết quả dương tính với virus trong hơn một tuần so với những người không tiêm.
CDC Mỹ cho biết: “Mặc dù các chỉ số này không phải là thước đo trực tiếp về khả năng lây lan virus của một người, nhưng chúng đã có mối tương quan với việc giảm sự lây lan của các virus khác, chẳng hạn như thuỷ đậu và cúm”.
Theo CDC, dữ liệu gần đây nhất cho thấy biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn so với cảm lạnh thông thường, đậu mùa, Ebola, cúm và bệnh cúm “Tây Ban Nha” năm 1918, và nó có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu.
Tiến sĩ Walensky cho biết những người bị nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus lên số lượng người cao gấp đôi so với biến thể Alpha (xuất hiện đầu tiên ở Anh). Một phần nguyên nhân là do biến thể này khiến người ta có nhiều hạt virus hơn trong mũi và cổ họng.
Một nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy tải lượng virus ở những người bị nhiễm biến thể Delta cao hơn khoảng 1.000 lần so với những người bị nhiễm phiên bản gốc của SARS-CoV-2.
Nghiên cứu từ Canada cho thấy, bất chấp tình trạng tiêm chủng, tuổi tác hoặc các tình trạng sức khỏe khác, người nhiễm biến thể Delta vẫn có nguy cơ nhập viện cao hơn 120%, nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt cao hơn 287% và nguy cơ tử vong cao hơn 137% so với nhiễm biến chủng khác.
Một bài báo khác từ Singapore còn phát hiện ra rằng biến thể Delta làm tăng nguy cơ cần trợ thở oxy ở những người mắc bệnh và tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do COVID-19.
Vậy tiêm vaccine có giá trị khi đối mặt với biến thể Delta không?
Câu trả lời là có. Các chuyên gia y tế cho biết, lý do là nếu không có biện pháp bảo vệ nhờ tiêm chủng, con người càng rất dễ tổn thương bởi biến thể Delta.
“Mọi người nên yên tâm rằng nếu họ được tiêm chủng đầy đủ thì gần như chắc chắn có khả năng được bảo vệ khỏi bệnh nặng hoặc nguy kịch, khiến họ phải nhập viện hoặc tử vong do virus này gây ra”, Tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), nói với tờ The Washington Post. "Vaccine cứu sống bạn”, ông Offit khẳng định.
Bên cạnh đó, tiêm vaccine có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng COVID-19 kéo dài. Tiến sĩ Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, nói: “Chúng tôi chưa thấy báo cáo về các trường hợp lây nhiễm đột phá mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài”. Một lý do giải thích cho điều này có thể là triệu chứng COVID-19 kéo dài liên quan đến “một phản ứng viêm chỉ gặp phải khi bị lây nhiễm tự nhiên”.
Tuy vậy, chuyên gia virus Angela Rasmussen thuộc Tổ chức Vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan ở Canada lưu ý rằng, dữ liệu về điều này còn hạn chế nên không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này. “Điều quan trọng nhất là cần tránh hoàn toàn nguy cơ bị lây nhiễm. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng mọi người nên tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch”, bà Rasmussen nói.
“Ngoài việc tiêm chủng, hãy đeo khẩu trang, rửa tay và để không khí lưu thông khi tụ tập trong nhà. Các biện pháp phòng dịch mà chúng ta đã áp dụng trước đây sẽ vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta”, bà Rasmussen nói thêm./.