Nếu bạn không ngủ ngon trong một thời gian dài, bạn có thể có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Cũng giống như thực phẩm, lối sống không lành mạnh và bệnh béo phì, thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa này. Giấc ngủ cũng cần thiết cho sức khỏe của bạn như dinh dưỡng và tập thể dục.

Tiến sĩ Sneha Kothari, Chuyên gia tư vấn Nội tiết tại Bệnh viện Toàn cầu Mumbai (Ấn Độ) cho biết: “Thiếu ngủ sẽ giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol, dẫn đến kháng insulin và làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, mức độ các hormone căng thẳng cao dẫn đến thèm ăn những thực phẩm có nhiều đường và carbohydrate. Điều này sẽ gây tăng cân”.

Ngủ không đủ giấc cũng làm giảm mức độ hormone leptin – loại hormone giúp kiểm soát quá trình chuyển hóa carbohydrate. Mức độ leptin thấp có thể làm tăng cảm giác thèm muốn carbohydrate bất kể số lượng calo tiêu thụ.

Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Mỹ và Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ, người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Buồn ngủ và cảm thấy vô cùng mệt mỏi vào ban ngày là những dấu hiệu nhận biết của giấc ngủ kém. Các triệu chứng khác bao gồm: Suy nghĩ chậm lại, giảm khả năng tập trung, trí nhớ kém, thiếu năng lượng và thay đổi tâm trạng như cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc cáu kỉnh.

Để tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 do ngủ kém, điều quan trọng là phải thực hiện vệ sinh giấc ngủ tốt và đi ngủ đều đặn mỗi ngày. Dưới đây là một số mẹo của Tiến sĩ Kothari đã chia sẻ, giúp bạn có giấc ngủ ngon:

- Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, thư giãn và mát mẻ.

- Để các thiết bị điện tử xa phòng ngủ.

- Hoạt động thể chất trong ngày.

- Thư giãn tinh thần và thư giãn trước khi đi ngủ.

- Có thói quen giúp bạn sẵn sàng đi ngủ, chẳng hạn như đi tắm hoặc đọc sách.

- Chỉ lên giường khi mệt mỏi.

- Tránh sử dụng caffein, rượu hoặc hút thuốc lá vào buổi tối.

- Tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều và ngủ trưa quá nhiều. Điều này có thể giúp bạn bớt mệt mỏi hơn khi đến giờ đi ngủ vào buổi tối./.