Các nhà khoa học tại Viện nhi Cincinnati thuộc bang Ohio, của Mỹ vừa nuôi cấy thành công dạ dày mini trong phòng thí nghiệm, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các phương pháp điều trị những căn bệnh liên quan đến dạ dày.

Các nhà khoa học đã sử dụng tế bào gốc đa năng của con người để phát triển thành tế bào dạ dày, sau đó nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Sau một tháng, các tế bào này phát triển thành một chiếc dạ dày hoàn chỉnh, có đầy đủ chức năng giống dạ dày thật với đường kính khoảng 3mm và hình dạng giống quả bóng bầu dục. Các thử nghiệm ban đầu trên chuột cho thấy chúng có thể được dùng làm "miếng vá" các lỗ hổng do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra.

Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Bệnh viện nhi Cincinnati, Jim Wells cho biết: “Cho tới trước nghiên cứu này, không ai tạo ra được các tế bào dạ dày từ các tế bào gốc đa năng của con người. Thông thường, các nhà nghiên cứu hay sử dụng động vật để nghiên cứu bệnh ở người. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp tối ưu vì các cơ quan nội tạng của động vật không giống của con người.”

Thành tựu mới này có thể giúp ích cho các nghiên cứu về bệnh ung thư, viêm loét dạ dày hay bệnh tiểu đường liên quan đến béo phì, từ đó giúp tìm ra loại thuốc mới để điều trị bệnh. Nó cũng mở đường cho việc tạo ra dạ dày nhân tạo để cấy ghép cho con người./.