Tính đến ngày 22/8, đã có trên 2.000 người ở tỉnh Kon Tum bị mắc sốt xuất huyết, trong đó trên 130 bệnh nhân hiện đang còn phải điều trị tại các cơ sở y tế và đã có 2 trường hợp tử vong. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết được dự báo còn diễn biến phức tạp, chính quyền và ngành y tế địa phương đang tiếp tục triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum, Trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng với giám sát chặt chẽ 247 ổ dịch cũ cũng đang chủ động phát hiện, xử lý kịp thời những ổ dịch mới phát sinh.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Kon Tum |
Riêng đối với huyện Đắk Tô, Đắk Hà, trọng điểm của dịch sốt xuất huyết với mỗi địa phương hiện đã có trên 600 người mắc bệnh, Sở Y tế tỉnh Kon Tum mời Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn giúp hai địa phương này ngăn chặn dịch lây lan.
Với quan điểm không bọ gậy, loăng quăng không có sốt xuất huyết, chính quyền các địa phương trong tỉnh cùng với việc hỗ trợ về kinh phí cho ngành chuyên môn chống dịch còn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc 540 đội xung kích tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và diệt loăng quăng, bọ gậy ở các khu dân cư.
Là địa phương có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều thứ 3 trong tỉnh, ông Phan Văn Thế, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: “Trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm y tế, hỗ trợ thêm kinh phí cho các tổ, đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Hiện nay trên địa bàn thành phố các xã đã thành lập ra các tổ, đội xung kích nhằm mục đích đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phát động một phong trào tự giác trong nhân dân diệt loăng quăng, bọ gậy”./.