Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW, hơn 1 tuần gần đây, mỗi ngày có khoảng 1.400 - 1.500 lượt bệnh nhân đến viện khám, trong đó số bệnh nhân bị đau mắt đỏ chiếm khoảng 10%.

PV VOV đã phỏng vấn TS. BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương về căn bệnh này.

Bác sĩ cho biết những biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ?

bs_dong1__tglj.jpg

Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp có biểu hiện ban đầu là các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có rử mắt và nhìn chói mắt. Ban đầu phần kết mạc (lòng trắng) đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt. Nặng hơn, mi mắt sưng nề, đỏ, nước mắt chảy ra có màu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương. Phần kết mạc mi có thể có giả mạc trắng.

Điểm đặc biệt trong viêm kết mạc cấp là bệnh nhân không bị giảm thị lực. Bệnh nhân có thể khó nhìn do rử mắt che khuất, nhưng sau khi lau sạch rử, mắt lại nhìn được bình thường. Nếu nhìn mờ là dấu hiệu của bệnh khác hoặc bệnh đau mắt đỏ đã bị biến chứng.

Làm thế nào để phân biệt giữa đau mắt đỏ và bệnh đau mắt khác, thưa bác sĩ?

Viêm kết mạc cấp có thể do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra. Bệnh chỉ khu trú tại kết mạc của mắt. Dấu hiệu nổi bật của bệnh là đỏ mắt, vì vậy, người ta mới gọi là đau mắt đỏ.

Tuy nhiên, còn có những bệnh lý khác của mắt, cũng gây ra đỏ mắt mà không phải là viêm kết mạc cấp như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn, tăng nhãn áp… Nếu những bệnh này bị chẩn đoán nhầm thành viêm kết mạc cấp thì rất nguy hiểm vì bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Do vậy, nếu bệnh nhân bị đỏ mắt, cho dù đang ở trong đợt có dịch viêm kết mạc cấp thì vẫn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân đỏ mắt có phải là viêm kết mạc cấp hay các bệnh lý khác và có chế độ điều trị phù hợp.

Hiện nay, một số bệnh nhân thường có thói quen tự mua thuốc về điều trị, hoặc dùng đơn thuốc của người khác hay dùng theo bài thuốc dân gian, bác sĩ có lời khuyên như thế nào?

Với các trường hợp viêm kết mạc cấp, cho dù do vi khuẩn hay vi rút gây ra thì bệnh nhân cũng vẫn cần dùng kháng sinh tra tại mắt nhằm loại trừ tác nhân gây bệnh và phòng bội nhiễm. Tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ, các bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc tra mắt để làm giảm mức độ viêm, giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Việc dùng loại thuốc nào, với liều bao nhiêu phải do bác sĩ chuyên khoa mắt quyết định nhằm tránh các tác dụng phụ của thuốc, nhất là khi dùng corticoid tra mắt. Nếu được điều trị đúng, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì trong vòng 10 - 15 ngày điều trị.

Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân không nên tự ý điều trị hoặc dùng thuốc của người khác vì một số bệnh nhân có thể có các biến chứng ở giác mạc. Tuyệt đối không được đắp lá, xông lá trầu không vì những biện pháp này không những không làm bệnh khỏi nhanh hơn mà còn có thể gây nhiễm khuẩn hoặc bỏng giác mạc, kết mạc.

Theo bác sĩ, làm thế nào để phòng tránh lây lan?

Viêm kết mạc cấp, đặc biệt là viêm kết mạc cấp do vi rút có khả năng lây lan nhanh, làm cho nhiều người mắc bệnh; chủ yếu lây qua đường tay - mắt. Vì vậy, cả bệnh nhân và người chưa mắc bệnh cần phải có ý thức phòng bệnh.

Với người đang bị viêm kết mạc cấp, cần rửa tay ngay bằng xà phòng sau mỗi lần lau mắt, tra thuốc. Khăn mặt, khăn trải gối cần được giặt sạch bằng xà phòng. Cần để riêng các giấy, bông lau mắt vì đây là nguồn nhiễm tác nhân gây bệnh quan trọng.

Nếu có điều kiện, người bệnh nên cách ly.

Khi bị bệnh, cần đi khám để được điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian mang bệnh cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Với người chưa mắc bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Nhân viên y tế sau khi khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ phải rửa tay ngay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn tay để tránh lây bệnh cho mình và cho những bệnh nhân khác. Cần chú ý xử lý tiệt khuẩn các dụng cụ khám mắt cho bệnh nhân viêm kết mạc cấp để tránh lây lan trong bệnh viện.

Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt bằng nước sạch. Có thể rửa sạch mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (Natri clrid 0,9%). Tăng cường sức đề kháng bằng bổ sung vitamin C thông qua ăn uống các loại nước hoa quả như cam, chanh…

Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo ghi nhận từ Bệnh viện Mắt Trung ương, tại thời điểm này, số bệnh nhân đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) so với năm ngoái có ít hơn, và chưa có bệnh nhân nào bị biến chứng.Hàng năm, bệnh đau mắt đỏ thường có xu hướng tăng cao vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, sau khi có những đợt mưa dài ngày. Thời điểm này thuận lợi cho vi rút phát triển mạnh. Bệnh đau mắt đỏ lành tính nhưng mức độ lây lan nhanh qua tiếp xúc, đặc biệt trong môi trường gia đình, trường học và nơi làm việc. Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè, thu, và mùa mưa bệnh thường gặp hơn và có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc cấp.