Tá hỏa vì cả nhà bị lây dịch đau mắt đỏ Gần 11 giờ trưa (28/9), tại khu vực bán giấy khám bệnh- Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn đông nghẹt người kiên nhẫn xếp hàng. Mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) uể oải, nhích dần từng tí một về phía khu vực bán sổ khám. Chị cho biết, hai mẹ con đứng xếp hàng đã hơn một tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tới lượt.
Chị kể, thấy Hà Nội đang có dịch đau mắt đỏ, chị đã rất cẩn thận, nhắc nhở mọi người trong gia đình ra đường phải bịt khẩu trang, không được nhìn trực tiếp vào mắt người nào đang bị đau mắt đỏ… thế nhưng vẫn không tránh được dịch bệnh này. Ban đầu, đứa con đang học lớp 2 của chị bị lây từ một bạn học cùng lớp, sau đó đến cháu lớn đang học lớp 6.
Gần trưa, tại khu vực bán giấy khám bệnh- Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn đông nghẹt người kiên nhẫn xếp hàng. |
Tá hỏa vì hai cậu con trai mắc bệnh cùng một lúc, chị vội vàng đưa các con đến bác sĩ và không quên mua cho mỗi cháu một chiếc kính đen để “khỏi lây bệnh cho cả nhà”.
Công việc cơ quan đã bận, nay lại tất bật thêm việc chăm cho hai cậu quý tử, khiến vợ chồng chị Thanh xoay như chong chóng. Từ khi trong nhà có người bị bệnh, cũng là lúc gia đình có thêm nhiều “quy tắc” hạn chế: như hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác, và ngày nào cũng bị nhắc nhở nhỏ thuốc. Các con còn nhỏ, mắt lại bị đau rát, chưa ý thức được việc vệ sinh nên ngày nào chị Thanh cũng rất cẩn thận chăm sóc các con. Mặc dù đã thực hiện khá tốt các “quy tắc” hạn chế, nhưng lần lượt các thành viên còn lại trong gia đình chị cũng không thể tránh nổi. Thường xuyên tiếp xúc với các con, thầm nghĩ “kiểu gì cũng bị lây” nên chị Thanh chấp nhận “sống chung với lũ”. Và đến hôm qua, cũng đã tới lượt chị cũng bị đau mắt đỏ!
“Sáng qua, trước khi đi làm về tôi thấy mắt cộm khó chịu, gỉ mắt chảy ra. Thế nhưng, chiều đến đã thấy một bên mắt đỏ hoe, nghĩ là đã bị lây bệnh từ các con nên hôm nay tôi đến bệnh viện khám ngay. Gia đình có 8 người thì đã có 6 người mắc dịch bệnh này”, chị Thanh cho biết.
Không riêng chị Thanh, bà Nguyễn Thị Tị (mẹ chồng chị Thanh) sáng nay cũng đã bị đau mắt đỏ. Bà Tị kể, mấy ngày nay, số người bị đau mắt đỏ trong khu phố của bà ngày một nhiều thêm. Ra đường, thầy người nào đeo kính đen là biết ngay người đó đang bị bệnh, nên nhiều người tỏ ra làm lơ, hoặc ít nói chuyện để tránh bị lây.
Hết con rồi đến cháu bị đau mắt đỏ, khiến cuộc sống gia đình bà Tị xáo trộn không kém. Từ khi có bệnh, các cháu được nghỉ học ở nhà, ông bà cũng tất bật trông nom. Không những thế, những ai bị bệnh trong nhà đều phải đeo kính 24/24, nên nhiều lúc bà cũng phải phì cười vì bà cháu toàn nhìn nhau qua 2 cặp kính đen.
Bà Tị cho biết thêm: “Từ khi bị đau mắt, tôi cũng ngại ra đường vì sợ mọi người thấy mình đau mắt rồi né tránh”.
Vào viện, đâu đâu cũng thấy bệnh nhân kính đen ngồi chờ khám |
Chung hoàn cảnh với bà Tị, chị Trần Thị Hạnh (Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết, ở khu phố nhà chị chưa có ai bị đau mắt đỏ, hơn nữa mỗi thành viên trong gia đình lúc nào cũng cẩn thận “phòng thủ” một lọ thuốc nhỏ mắt nên chị tạm yên tâm vì dịch chưa đến khu vực nhà mình. Vậy mà, trưa hôm qua, cô giáo chủ nhiệm của cô con gái đang học lớp 1 gọi điện thông báo con chị bị đau mắt, và yêu cầu phụ huynh đến đón con về nhà để tránh lây lan sang các bạn trong lớp khiến chị không khỏi giật mình.
“Trước khi đi học, cháu vẫn bình thường, vậy mà lúc đến đón con đã thấy một bên mắt phải đỏ au, chảy ra rất nhiều gỉ mắt. Nhìn con khó chịu, dụi mắt liên tục vì bị cộm mắt mà trong lòng cảm thấy xót xa”, chị Hạnh than thở.Phòng bệnh là cách tốt nhất bảo vệ mắt
Theo các chuyên gia, đau mắt đỏ là tên gọi chung của một bệnh do virus Adenovirus gây ra. Bệnh thường bùng phát vào cuối mùa hè và xuyên suốt mùa thu. Triệu chứng đau mắt đỏ: Sốt nhẹ, viêm mũi họng, nổi hạch ở tai (có thể). Mắt xuất hiện nhiều gỉ, chảy nước mắt, mắt đỏ, cộm, ngứa. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tay chân, nước bọt…
Tính chất các ca bệnh không nặng, nên thông thường chỉ điều trị từ 7 – 10 ngày là khỏi và sau điều trị 3 ngày mắt đã hết đỏ. Chính vì vậy, phòng bệnh luôn là cách tốt nhất để bảo vệ mắt.
Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ khuyên người dân phải thường xuyên vệ sinh tay chân; người bị đau mắt nên nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc gần với mọi người và dùng riêng đồ dùng cá nhân, bát đũa ăn cơm.
Khi thấy biểu hiện đau mắt đỏ, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, nhằm tránh biến chứng.
Nhỏ nước muối sinh lý Natriclorid 0,9 % mỗi ngày vài lần cũng là cách giúp rửa mắt sạch sẽ, tránh cho mắt bội nhiễm khi bị đau mắt đỏ./.