Tiến sĩ Benjamin Lau, giáo sư sinh hóa và miễn dịch học ở Trung tâm y tế Loma Linda, California (Mỹ), trong cuốn "Tỏi và bạn, vị thuốc của thế giới hiện đại" khẳng định: Chỉ cần sử dụng một lượng tỏi nhỏ trong bữa ăn hàng ngày cũng tác dụng tốt đến hệ miễn dịch. 

Ông cho rằng tỏi và các loại rau quả khác nếu được dùng đều đặn thì có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư, tim mạch hay nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Tỏi là dược thảo có tác dụng toàn diện đối với sức khỏe con người. Tỏi hoạt động như loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, chất bồi bổ hệ thống miễn dịch, chất chống ung thư...

an_toi1_lowu.jpg
Chuyên gia khuyên nên ăn tỏi vào buổi sáng khi dạ dày trống hoặc sau bữa ăn tối khoảng một giờ.  (ảnh: KT)
Các chuyên gia độc chất học trường Ðại học Tổng hợp Queen ở Canada đưa chất dễ gây ung thư mô phổi động vật vào 2 lô chuột. Lô A được tiêm chất chiết xuất từ tỏi, còn lô B dùng làm đối chứng không được tiêm. Kết quả lô A không hề hấn gì, còn lô chuột B ung thư phát triển.

Các nghiên cứu cũng cho thấy nguyên nhân chính của ung thư phổi là do hút thuốc lá. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không phải là người hút thuốc nhưng vẫn có xu hướng phát triển bệnh. Vì vậy, để ngăn ngừa ung thư phổi, nên ăn tỏi hằng ngày.

Tỏi ngăn chặn ung thư phổi thế nào

Các nghiên cứu cho thấy rằng người ăn tỏi tươi ít nhất hai lần mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư phổi ít hơn 44%. Nguy cơ ung thư phổi cũng giảm khoảng 30% ở những người có thói quen hút thuốc mà ăn tỏi thường xuyên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mọi khối ung thư đều trải qua ba giai đoạn phát triển, ở giai đoạn nào chúng cũng bị tỏi chống phá. Trong giai đoạn đầu tiên, hoạt động của oxy trong cơ thể qua quá trình oxy hóa chuyển thức ăn thành năng lượng sản sinh ra các gốc tự do gây thương tổn tế bào khiến nó phát triển bất thường. 

Ăn tỏi hàng ngày có thể vô hiệu hóa gốc tự do. Chất chống oxy hóa trong tỏi có khả năng tấn công khối u trước khi nó nhen nhóm. Bổ sung các vitamin C, E, beta-caroten cũng có tác dụng nhưng không mạnh bằng tỏi bởi tỏi hiệu quả gấp 10 lần.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát bệnh, những tế bào ung thư phát triển nhanh nếu các hệ thống miễn dịch ban đầu bị phá vỡ. Tỏi ngăn không cho các tế bào ung thư phát triển. Một chất khoáng rất cần cho cơ thể lúc này là selen - có rất nhiều trong tỏi. Selen là một chất chống oxy hóa rất mạnh nên có thể giúp cơ thể chống lại ung thư.

Các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên tiêu thụ tỏi thường xuyên, nhất là những người hút thuốc và có tiền sử gia đình về bệnh để ngăn chặn ung thư phổi trong tương lai.

Lợi ích sức khỏe khác của tỏi

Nghiên cứu cho thấy tỏi có tác dụng thúc đẩy hệ thống miễn dịch, điều trị và điều chỉnh huyết áp. Nó tăng cường sức khỏe cho xương, giảm mức độ cholesterol, tốt cho đàn ông. Quan trọng nhất, tỏi hiệu quả để điều trị và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer.

Ăn tỏi vào lúc nào

Chuyên gia khuyên nên ăn tỏi vào buổi sáng khi dạ dày trống hoặc sau bữa ăn tối khoảng một giờ. Tránh ăn hoặc uống với nước để tạo điều kiện cho tỏi phản ứng với các tế bào và ngăn sự lây lan của bệnh.

Nên ăn tỏi thế nào

Nên sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày với mức độ vừa phải nhằm phòng bệnh là chính, tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Nhai tỏi tươi có chút khó khăn, vì vậy bạn có thể nuốt toàn bộ tép tỏi. 

Có thể pha rượu tỏi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới: thái nhỏ 40 g tỏi khô đã bóc vỏ, ngâm với 100 ml rượu trắng 45 độ, để sau 10 ngày thì dùng, mỗi ngày uống 40 giọt (tương đương một thìa cà phê). Ngâm liên tiếp từng mẻ nhỏ như vậy để sử dụng thường xuyên./.