>> Việt Nam đang đối mặt gánh nặng kinh tế-sức khỏe do sử dụng thuốc lá

Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là ung thư phổi.

Ung thư phổi - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người trên 40 tuổi

Theo các chuyên gia y tế, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người lớn trên 40 tuổi tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ung thư phổi là bệnh thường gặp ở nam giới, có mối liên hệ mật thiết với tiền sử hút thuốc lá. Tuy nhiên, bệnh cũng có xu hướng tăng lên ở nữ giới và người không hút thuốc lá.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, từ năm 1986 trở về trước, trung bình mỗi năm quốc gia này có 87.000 ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới, tỷ lệ tử vong là 71/100.000 đàn ông; 38.600 tử vong ở nữ giới, tỷ lệ tử vong ở nữ giới là 21/100.000 phụ nữ.

Năm 2009, có khoảng 219.000 trường hợp mới được chẩn đoán ung thư phổi và khoảng 159.000 ca tử vong do ung thư phổi tại Hoa Kỳ. 

Trên thế giới, ước tính có 1 triệu người chết trong năm 2000 do ung thư phổi.

benh_nhan_qexd.jpg
PGS TS Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm Khoa A5 đang khám bệnh cho bệnh nhân An Văn H, 57 tuổi ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Ông bị ung thư phế quản, di căn hach rốn vào xương. Ông H hút thuốc lá từ hồi còn thanh niên (hút gần 30 năm và bây giờ đã từ bỏ).

Ở châu Âu, mỗi năm có khoảng 375.000 trường hợp ung thư phổi mới, chiếm 12,9% ung thư mới các loại. Bỉ là quốc gia châu Âu có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất năm 2000 với 76 trường hợp/100.000 dân. Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư phổi thấp nhất ở châu Âu cũng như trên thế giới với số mắc là 21 trường hợp/100.000 dân.

Theo ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang phải đối  mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm”. 

Theo cuốn sách ung thư phổi của GS TS Nguyễn Việt Cồ và PGS TS Đồng Khắc Hưng, tỷ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn từ 8-20 lần so với người không nghiện hút tuy theo số lượng điếu thuốc hút trong 1 ngày. Nguy cơ mắc ung thư phổi giảm dần theo thời gian sau khi cai thuốc. Sau khi cai thuốc 10- 20 năm, nguy cơ mắc ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn từ 0,5 đến 2 lần so với người không nghiện. Nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn ở những người bắt đầu hút thuốc từ thời niên thiếu hoặc thanh niên.

Người ta còn sử dụng khái niệm bao/năm: 1 người hút 20 điều/1 ngày trong 10 năm được gọi là hút 10 bao/năm; nếu một người hút 40 điếu/ngày trong 10 năm được gọi là hút 20 bao/năm. Một số ý kiến cho rằng, hút thuốc đầu lọc có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn so với hút thuốc không đầu lọc.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư phổi

PGS TS Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi (Khoa A5) -  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, 90% bệnh nhân ung thư phổi đến khám và điều trị tại khoa có liên quan đến thuốc lá. Bệnh diễn tiến âm thầm lặng lẽ theo thời gian nên người bệnh thường chủ quan.

Các dấu hiệu của bệnh gồm: Giai đoạn sớm thường có triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh phát triển, thường có các triệu chứng như: Đau ngực, đau dai dẳng, cố định ở một vị trí. Ho kéo dài, ngày càng nặng hơn, có thể có máu. Khó thở khi khối u to, chèn ép, bít tắc đường hô hấp.

Thông thường, các triệu chứng này có thể không phải do ung thư vì một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra các triệu chứng này. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên, nếu bất cứ ai có các triệu chứng như vậy, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

BS Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh: nguy cơ mắc ung thư phổi cũng cao hơn ở những người hút thuốc lá thụ động (tức là những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá).

Người ta cho rằng, ô nhiễm không khí làm cho nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn ở người nghiện thuốc lá hoặc người tiếp xúc với tác nhân gây ung thư phổi khác. Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ mắc ung thư phổi ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn.

Ô nhiễm môi trường: tiếp xúc với hóa chất độc hại trong quá trình làm việc như bụi khí than, tiếp xúc với quá trình luyện thép hoặc các sản phẩm phụ sinh ra quá trình đốt cháy các nhiêu liệu hóa thạch. Nguy cơ này sẽ tăng nhiều lần nếu người bệnh có hút thuốc. Tiếp xúc với tia phóng xạ: có nguy cơ bị ung thư, trong đó có ung thư phổi. Chính vì vậy, môi trường không có khói thuốc rất quan trọng.

BS Tiến cho biết: Hiện nay chưa có thuốc hay vaccine có thể ngăn ngừa ung thư phổi. Việc điều trị tùy theo giai đoạn bệnh, và phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Phương thức điều trị có thể đơn thuần hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Mục đích của điều trị có thể là chữa khỏi, kiềm chế bệnh để kéo dài sự sống hay kiểm soát triệu chứng nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Cũng như nhiều căn bệnh ung thư khác, việc điều trị bệnh ung thư phổi cũng được tiến hành bằng những phương pháp đặc trưng như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và phương pháp hỗ trợ.

Chế độ dinh dưỡng và cách phòng tránh

Các chuyên gia y tế cho rằng, chế độ này là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Tùy từng giai đoạn của quá trình điều trị, loại phương pháp điều trị mà bác sĩ sẽ cho lời khuyên cụ thể thích hợp cho từng trường hợp.

Bệnh nhân phải có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều trái cây, ngũ cốc toàn phần, các sản phẩm từ sữa, một lượng thịt vừa phải, ít chất béo động vật và hạn chế đường. Nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, đặc biệt tinh thần phải luôn lạc quan, thoải mái và tin tưởng vào thầy thuốc.

BS Nguyễn Đình Tiến khuyên rằng: Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tật nói chung và ung thư phổi nói riêng là có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên tập luyện thể thao, khám sức khỏe định kỳ ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện ra bệnh và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không hút lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, bụi, khói, thực hiện các biện pháp an toàn lao động, ăn nhiều thức ăn có vitamin: rau xanh và quả tươi. Một môi trường trong sạch là môi trường không có khói thuốc.

Tại Việt Nam, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc), ở nữ giới là 1,4%. Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. Hơn 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23.000 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hút thuốc lá không chỉ gây ra bệnh ung thư phổi mà còn các bệnh ung thư khác như: ung thư họng, ung thư hầu họng, ung thư thực quản, ung thư bạch cầu cấp, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư đại tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang.

Các bệnh mạn tính gồm: đột quỵ, mù đục thủy tinh thể, viêm quanh cuống răng, phình đồng mạch chủ, bệnh mạch vành, viêm phổi, bệnh sơ vữa mạch ngoại vi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen và triệu chứng hô hấp mãn tính khác, tác tại tới sức khỏe sinh sản, sinh dục.

Tác hại của hút thuốc thụ động:

Đối với trẻ em: khối u não, bệnh tai giữa, ung thư hạch, các triệu chứng hô hấp, giảm chức năng phổi, hen suyễn, hội chứng đột tử trẻ sơ sinh, ung thư máu, bệnh đường hô hấp dưới.

Người trưởng thành: đột quỵ, ung thư vú, triệu chứng kích thích mũi, bệnh mạch vành, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, giảm chức năng phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở phụ nữ: trẻ sơ sinh nhẹ cân, xơ vữa động mạch.