Vaccine đã được chứng minh là công cụ hiệu quả cho các nước trên thế giới chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên trước các biến thể mới của virus, nhiều quốc gia đã cho kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19, giúp gia tăng mức độ hiệu quả của vaccine cũng như giải quyết được vấn đề nguồn cung vaccine, giảm bất kỳ mối lo ngại về mức độ an toàn nào có thể ở một số loại vaccine.
Việc trộn và kết hợp vaccine cũng phải trải qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Cơ chế phối hợp vaccine đã được thực hiện tại một số quốc gia bao gồm Thái Lan, Canada và Indonesia… Ngoài ra, các quốc gia như Bahrain, Bhutan, Italy, Thái Lan và UAE cũng bắt đầu kết hợp các loại vaccine, sau khi nhận thấy liều vaccine thứ nhất có hiệu quả thấp hơn với biến thể mới.
Lợi ích của việc kết hợp 2 liều vaccine Một số kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hai liều vaccine khác nhau có thể tăng cường phản ứng bảo vệ, xây dựng khả năng miễn dịch hoặc đáp ứng tốt hơn so với việc sử dụng hai liều vaccine giống nhau. Điều này đã được thực hiện trong các nghiên cứu trên khắp các quốc gia. Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc trộn liều vaccine Pfizer và AstraZeneca (Covishield) sẽ tốt hơn so với việc tiêm hai liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca.
Chính sách kết hợp được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế hay có những lo ngại về an toàn đối với một số vaccine. Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng bước đi này có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và hiệu quả của các đợt tiêm chủng.
Tại sao một số chuyên gia chỉ trích? Trong khi các nghiên cứu đã chứng minh được lợi ích của việc kết hợp các liều vaccine khác nhau, một số chuyên gia y tế vẫn tiếp tục cảnh giác với việc thúc đẩy chính sách này với lý do là thiếu dữ liệu nghiên cứu đầy đủ. Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo việc trộn các loại vaccine có thể là một xu hướng "nguy hiểm" vì nó cho phép cá nhân tự quyết định loại vaccine và thời điểm tiêm vaccine. Việc thúc đẩy thử nghiệm cũng có thể làm cạn kiệt nguồn lực hơn nữa đối với các quốc gia chưa có đủ vaccine.
Kết hợp vaccine có an toàn không?
Các kết quả về tính sinh miễn dịch và khả năng dung nạp từ một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc pha trộn và kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 không có hại và tăng cường hệ miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên vẫn chưa có đủ dữ liệu quan trọng hỗ trợ cho các kết quả này. Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc trộn lẫn các loại vaccine có thể khiến người sử dụng đối mặt với nhiều tác dụng phụ hơn. Mặc dù vậy nghiên cứu sơ bộ vẫn chứng minh được lợi ích của việc áp dụng chính sách kết hợp các loại vaccine.
Kết hợp vaccine sao cho hiệu quả?
Cho đến nay đã có một số loại vaccine được trộn và kết hợp với nhau và nhiều quốc gia đang thử nghiệm cơ chế này. Ví dụ, ở các quốc gia chỉ sử dụng vaccine Sinovac, đang có đề xuất bổ sung vaccine AstraZeneca. Tương tự, với một số quốc gia tạm dừng sử dụng vaccine AstraZeneca, đã có khuyến nghị thay thế liều 2 bằng vaccine Modena và Pfizer. Hiệu quả nhất hoặc hứa hẹn nhất cho đến nay, vẫn là sự kết hợp giữa các liều vaccine công nghệ mRNA-AstraZeneca. Mặc dù cả hai đều được bào chế bằng cách sử dụng các nền tảng sản xuất vaccine khác nhau và hoạt động hơi khác nhau, nhưng việc trộn lẫn các liều lượng của hai nguyên tố miễn dịch này mang lại nhiều lợi ích hơn.
Bạn có nên đợi để tiêm đúng loại vaccine? Với mong muốn kết hợp 2 liều vaccine khác nhau khiến nhiều người trì hoãn liều tiêm thứ 2 để được tiêm đúng liều vaccine mong muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng đây là một biện pháp không được khuyến khích. Hiện thế giới đối mặt với những biến thể mới nguy hiểm, khả năng miễn dịch đối với liều đầu tiên có thể tồn tại trong thời gian ngắn và không có khả năng bảo vệ hoàn toàn. Vì vậy, việc chờ đợi hoặc trì hoãn liều thứ 2 sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ cao. Do đó, trong khi chờ đợi có đủ dữ liệu nghiên cứu thích hợp, cần lắng nghe những khuyến nghị của các chuyên gia y tế uy tín để có biện pháp tối ưu cho sức khỏe của chính mình./.